Liên kết phát triển chăn nuôi đại gia súc đang giúp người nông dân ở tỉnh Tuyên Quang thay đổi tư duy, phương thức chăn nuôi, nâng cao giá trị của đàn vật nuôi.
Tháng 2/2021, chị Nguyễn Thị Uyên, thôn Nhân Thọ 2, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa cùng một số thành viên đã quyết định thành lập HTX nông nghiệp và dịch vụ Hoàng Thức. HTX hoạt động với ngành nghề chính là chăn nuôi trâu, bò sinh sản và vỗ béo.
Kể từ khi thành lập, các thành viên trong HTX luôn liên kết, hỗ trợ lẫn nhau về bài toán thị trường, về hình thành đồng cỏ đảm bảo có nguồn thức ăn ổn định cho đàn vật nuôi. Do đó, người chăn nuôi biết cách tính lượng khẩu phần ăn, dinh dưỡng cho từng gia đoạn đàn vật nuôi phát triển; vệ sinh chuồng chăn nuôi đúng quy cách, cũng như phòng trừ dịch bệnh bảo vệ đàn gia súc.
Từ 30 con bò sinh sản ban đầu, đến nay, HTX nông nghiệp và dịch vụ Hoàng Thức của chị Uyên đã có hơn 200 con trâu, bò nuôi theo hình thức vỗ béo và sinh sản. Đàn gia súc nuôi đúng quy trình kỹ thuật nên lớn nhanh, ít dịch bệnh, cho chất lượng thịt thơm ngon được bạn hàng ưa chuộng.
Chương trình liên kết chăn nuôi trâu, bò sinh sản, thương phẩm theo hướng an toàn sinh học, đã giúp thay đổi tập quán canh tác cũng như thu nhập của người nông dân ở xã Yên Nguyên. Hướng đi này giúp Yên Nguyên trở thành một trong những địa phương đi đầu của huyện Chiêm Hóa trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Trên thực tế hiện nay, phương thức chăn nuôi tại nhiều vùng ở huyện Chiêm Hóa còn theo hình thức quảng canh, nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên là chính; công tác quản lý chất lượng giống còn nhiều hạn chế, đặc biệt là trong công tác quản lý trâu, bò đực giống, công tác giám định bình tuyển chất lượng giống chưa được thực hiện thường xuyên.
Do đó việc liên kết phát triển chăn nuôi, giúp người nông dân chủ động việc bình tuyển đầu vào giống vật nuôi, từ đó nâng cao chất lượng con giống, chất lượng thịt và hiệu quả kinh tế. Từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm trâu, bò thịt của địa phương.
Qua chương trình liên kết đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi quy mô lớn của người nông dân.
Hiện nay, tổng đàn trâu của tỉnh Tuyên Quang là khoảng 90.000 con, đàn bò hơn 39.300 con... Thúc đẩy ngành chăn nuôi đại gia súc phát triển, tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục đồng hành cùng người nông dân mở rộng mô hình liên kết phát triển chăn nuôi, khuyến khích người nông dân sử dụng chế phẩm sinh học, sử dụng đệm lót trong chăn nuôi, thực hiện phối trộn thức ăn để tăng trọng cho đàn gia súc. Đặc biệt là tại địa phương có truyền thống và thế mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc như huyện Chiêm Hóa.
Cùng với đó tỉnh sẽ đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn, vừa chăn nuôi trâu bò kết hợp với sử dụng, xử lý phân của gia súc làm phân bón trồng cỏ, ngô và quay trở lại phục vụ làm nguồn thức ăn cho đàn gia súc, nhằm giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi.