Người thợ phải gõ lên hoa dừa một lực vừa phải để kích thích tuyến mật, trung bình mỗi bông hoa có thể cho khoảng 1 lít mật trong 24 giờ, mang lại giá trị gấp 3 lần so với bán trái.
Nghề gõ hoa thu mật, cho giá trị gấp 3 lần bán trái
Với hơn 25 ngàn hecta Trà Vinh là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn thứ hai cả nước chỉ sau Bến Tre. Thu nhập của người trồng dừa chủ yếu từ bán trái cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến, tuy nhiên có thời điểm giá cả bấp bênh, theo biến động của thị trường. Chị Chal Thi, một người con của xứ dừa Trà Vinh, luôn trăn trở về việc tìm hướng đi mới để nâng cao giá trị cho cây dừa.
Sau khi tìm hiểu từ nhiều tài liệu, chị phát hiện ngoài việc thu hoạch trái dừa, còn có thể khai thác thêm nhiều giá trị khác. Từ ý tưởng thu mật hoa dừa, chị Chal Thi đã bắt đầu triển khai mô hình này trên diện tích 1,2ha dừa của gia đình mình.
Thạch Thị Chal Thi (Công ty Sokfarm) : Ý tưởng từ năm 2017, lúc đó giá dừa giảm rất là mạnh. Mình tìm hiểu nhiều công nghệ chế biến dừa ở các nước như Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, SriLanka, mình được biết ở đất nước họ có lấy mật hoa dừa và có giá trị tăng gấp 3 lần lấy trái.
Chal Thi chia sẻ, để lấy mật từ hoa dừa, cần chọn đúng những bông đạt độ tuổi phù hợp, không quá non cũng không quá già. Người thợ lấy mật phải gõ lên hoa với lực vừa đủ, giống như massage nhẹ nhàng để kích thích tuyến mật của hoa. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo, giống như một nghệ sĩ, không chỉ biết kỹ thuật mà còn phải chăm sóc hoa. Mật hoa được thu 12 giờ một lần, và trung bình, mỗi bông hoa dừa có thể cho ra khoảng 1 lít mật trong 24 giờ.
Thạch Thị Chanl Thi: Giống dừa thì dừa ta, dừa xiêm hay dừa sáp mình đều thu mật được hết. Mỗi ngày nông dân bó bông dừa để thu hoạch và chọn những một có đường nứt như này là đạt độ tuổi và cho mật nhiều nhất.
Mật hoa dừa được người tiêu dùng đánh giá cao nhờ giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh hiện nay. Hiện tại, các sản phẩm từ mật hoa dừa đã có mặt ở hơn 200 đại lý trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Để mở rộng sản xuất, cơ sở cần phải liên kết với các chủ vườn dừa để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định. Tuy nhiên, nông dân lo ngại rằng sau khi thu mật từ hoa, cây dừa có thể không còn cho trái như bình thường, bởi dừa có vòng đời hàng chục năm và việc khai thác mật hoa không phải lúc nào cũng ổn định.
Anh Phạm Đình Ngãi (đồng sáng lập Công ty Sokfarm): Theo các tài liệu báo cáo của Philippine và SiLanka đó là những đất nước đã làm mật hoa dừa này lâu rồi. Người chứng minh cây dừa vẫn còn sức mình thường. Thu hoạch mật từ 3-5 năm cây dừa vẫn còn ra trái bình thường.
Đại diện Sokfarm cho biết thời gian tới, Sokfarm dự định mở rộng vùng nguyên liệu và chuyển giao kỹ thuật thu mật cho nông dân, sau đó sẽ thu mua lại sản phẩm từ bà con. Đơn vị này cũng có chính sách thu mua minh bạch và lâu dài, góp phần hỗ trợ người nông dân yếu thế có nguồn thu nhập ổn định và nâng cao giá trị kinh tế từ 3-5 lần so với trồng dừa bán trái.