| Hotline: 0983.970.780

Những nông dân ‘bốn chấm’ ở miền Tây

Đôi vợ chồng trẻ thích ‘ăn dưới đất, làm trên cây’

Thứ Tư 02/03/2022 , 09:53 (GMT+7)

Mỗi ngày 2 lần trèo lên ngọn dừa, họ dùng tay massage, vỗ về chùm hoa... Đó là công đoạn đầu tiên của hành trình tạo ra những giọt mật thơm phức từ hoa dừa.

Đó là câu chuyện khởi nghiệp của cô gái người Khmer Thạch Thị Chal Thi, thạc sỹ ngành Công nghệ thực phẩm, và chồng, anh Phạm Đình Ngãi, thạc sỹ ngành Cơ điện. Hiện cặp vợ chồng này là đồng sáng lập công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm), ở thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Đôi vợ chồng cùng sinh năm 1989 này đã có những bước đi táo bạo khi từ bỏ công việc ổn định ở Sài Gòn để về quê gắn bó với những cây dừa.

Vợ chồng Chal Thi - Đình Ngãi. Ảnh: Đình Tú.

Vợ chồng Chal Thi - Đình Ngãi. Ảnh: Đình Tú.

Chọn lối đi riêng

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thực phẩm, đại học Bách Khoa TP.HCM, nhằm tích luỹ kinh nghiệm, kỹ năng tìm kiếm, tiếp xúc và chăm sóc khách hàng, Chal Thi xin vào các công ty thực phẩm và đảm nhiệm các vị trí, từ nhân viên bán hàng kỹ thuật (sale technical) chuyên đi dự án, đến tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D). Tại các nơi làm việc, Chal Thi được đánh giá cao, công việc cũng vì thế mà khá suôn sẻ. Còn Phạm Đình Ngãi, sau khi lấy bằng thạc sỹ chuyên ngành Cơ điện xong, anh đã là giảng viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, TP.HCM.

Tuy nhiên, đến năm 2018, 2 vợ chồng Chal Thi - Đình Ngãi đã khăn gói đưa 2 con nhỏ về quê vợ ở Trà Vinh lập nghiệp bằng nghề trèo dừa lấy mật.

Phạm Đình Ngãi đang massage cho hoa dừa. Ảnh: Phúc Lập.

Phạm Đình Ngãi đang massage cho hoa dừa. Ảnh: Phúc Lập.

“Mấy năm gần đây, phong trào “bỏ phố về quê” có xu hướng tăng, vợ chồng chị về quê theo phong trào hay có kế hoạch từ trước?”, tôi hỏi.

Chal Thi suy nghĩ giây lát rồi nói: “Tôi nghĩ không nên dùng từ “phong trào” khi thấy nhiều người có xu hướng về quê lập nghiệp. Trái lại, phải mừng vì điều đó. Bởi điều cho thấy, tuổi trẻ bây giờ rất năng động, họ dám nghĩ, dám mạo hiểm. Riêng vợ chồng tôi thì không phải chạy theo phong trào, mà ngay từ khi còn học cấp 3, tôi đã ấp ủ sẽ làm cái gì đó cho quê hương. Bởi tôi yêu vùng quê nghèo này, thương người nông dân quanh năm vất vả mà vẫn nghèo, trong đó có cha mẹ tôi. Đến khi lên đại học, tôi quyết định chọn thi vào ngành Công nghệ thực phẩm. Tuy nhiên, tôi định học xong sẽ trụ lại Sài Gòn làm việc ít năm để tích luỹ kinh nghiệm. Nhưng số phận run rủi nên đã về sớm hơn”.

Chal Thi kể, năm 2018, khi vừa lấy tấm bằng thạc sĩ, cũng là lúc quê nhà có “biến cố”, khi cha cô gọi điện lên than giá dừa trái rớt thê thảm, chỉ còn chưa đến 2 ngàn đồng/trái. “Nghe cha nói mà lòng xót xa. Quê tôi có diện tích dừa rất lớn, chỉ thua Bến Tre, nhưng không có các cơ sở chế biến sâu, toàn bán nguyên liệu cho Bến Tre. Giá rẻ đã đành, thương lái còn chẳng buồn đến thu mua”, Chal Thi kể.

Anh Ngãi cho biết, việc massage, gõ hoa dừa cần làm quen, đều tay, nếu không có thể làm hoa hư hoặc không kích thích được tuyến mật. Ảnh: Đình Tú.

Anh Ngãi cho biết, việc massage, gõ hoa dừa cần làm quen, đều tay, nếu không có thể làm hoa hư hoặc không kích thích được tuyến mật. Ảnh: Đình Tú.

Rồi sau đó, cô tức tốc về quê, tìm hướng “giải cứu” trái dừa. “Tôi nghĩ phải tìm một con đường riêng để đi chứ không theo hướng mở nhà máy, cơ sở làm bánh, làm kẹo, vì thị trường quá nhiều rồi. Sau khi lên mạng tìm hiểu, chúng tôi phát hiện ra, việc lấy mật, làm đường từ hoa dừa đã có từ lâu ở nhiều nước quanh khu vực và ngay tại Trà Vinh ngày xưa cũng đã có. Nhưng sau này, do ngành chế biến đường mía phát triển mạnh nên người ta bỏ luôn nghề làm mật từ hoa dừa. Ngay sau đó, vợ chồng tôi lên quyết định bắt đầu khởi nghiệp tại quê nhà từ cây dừa”, Chal Thi nói tiếp.

Ban đầu, khi trình bày ý tưởng khởi nghiệp, cha cô phản đối kịch liệt. Vì ông cho rằng, cây dừa trồng để lấy trái, nếu cắt hoa thì sao ra trái được. Chưa kể, nếu làm không thành công thì cả nhà “đói nhăn răng”. Chal Thi mất khá nhiều thời gian thuyết phục cha, hứa chỉ làm thí điểm 100 cây, cuối cùng, cha cô chấp nhận.

Hiện nay, Sokfarm đã có 5 sản phẩm gồm mật hoa dừa cô đặc, mật hoa dừa tươi, hạt cacao mật hoa dừa, đường hoa dừa, mứt dứa mật hoa dừa. Ảnh: Phúc Lập.

Hiện nay, Sokfarm đã có 5 sản phẩm gồm mật hoa dừa cô đặc, mật hoa dừa tươi, hạt cacao mật hoa dừa, đường hoa dừa, mứt dứa mật hoa dừa. Ảnh: Phúc Lập.

Khẳng định vị thế nông sản Việt

“6 tháng đầu tiên, tôi thử nghiệm trên một số cây dừa của gia đình, nhưng hoa dừa không chịu ra mật, vì làm chưa đúng kỹ thuật. Lúc này, nhiều người còn bảo vợ chồng tôi học lắm vào khùng rồi, cây dừa mà cắt bông vậy sao ra trái”, Chal Thi cười.

Gặp khá nhiều khó khăn ban đầu, vợ chồng Chal Thi không nản lòng, vừa tiếp tục mày mò, vừa tìm hiểu từ các tài liệu nước ngoài. Cuối cùng, cô cũng dần tìm ra bí quyết để hoa dừa cho mật.

Khi mới thành lập công ty, nữ giám đốc trẻ Chal Thi cũng leo ngọn dừa thường xuyên. Nhưng nay chị phụ trách công việc quản lý chất lượng, kỹ thuật. Ảnh: Phúc Lập.

Khi mới thành lập công ty, nữ giám đốc trẻ Chal Thi cũng leo ngọn dừa thường xuyên. Nhưng nay chị phụ trách công việc quản lý chất lượng, kỹ thuật. Ảnh: Phúc Lập.

Đầu tiên, sẽ chọn những hoa dừa sắp nở rồi bó lại, để cho hoa dừa không bị bung ra, đồng thời tạo thuận lợi cho công đoạn chăm sóc và thu mật sau này. Bó hoa xong, nhẹ nhàng uốn đầu hoa chúc xuống dễ hứng mật chảy xuống, công đoạn này được thực hiện một cách tỉ mỉ. Sau đó, mỗi ngày 2 lần, trèo lên, dùng tay massage hoa, đồng thời, dùng chiếc chày gỗ nhỏ, gõ nhẹ, đều tay lên thân chùm hoa. Việc gõ này cũng cần có kinh nghiệm, vì gõ nhẹ quá không kích thích được tuyến mật, gõ mạnh quá hoa sẽ hư. Bên cạnh đó, cần có chuyên môn kiểm tra dinh dưỡng đất, độ pH, thời tiết… để chăm sóc cây phù hợp. Cuối cùng, dùng dao cắt một lát mỏng trên bề mặt hoa dừa. Hứng dụng cụ phía dưới, từ vết cắt, những dòng nhựa từ hoa dừa sẽ từ từ chảy xuống. “Đến giờ tôi hiểu, quy trình chăm sóc dừa lấy mật hoàn toàn khác với trồng lấy trái”, Thy nói.

Năm 2018, sau khi những mẻ mật đầu tiên ra đời, vợ chồng Chal Thi lại tiếp tục nghiên cứu, chiết xuất, cô đặc mật bằng công nghệ cô đặc chân không ở nhiệt độ 55oC. Và sau đó, những mẻ mật đầu tiên đã xuất xưởng đạt chất lượng như mong muốn trong niềm hạnh phúc của 2 vợ chồng và người thân. Năm 2019, công ty NHH Trà Vinh Farm với tên sản phẩm là Sokfarm, do vợ chồng Chal Thi - Đình Ngãi đồng sáng lập ra đời.

Điều khiến tôi cũng như bất cứ ai biết về thành quả của vợ chồng Chal Thi - Đình Ngãi phải ngạc nhiên, là chỉ sau 2 năm thành lập, Sokfarm không chỉ được vinh danh trong nước, mà còn xuất xưởng những lô hàng đầu tiên sang Nhật Bản và Hà Lan. Sau đó, Sokfarm trở thành thương hiệu nông sản được vinh danh tại Nhật. Chưa hết, Sokfarm đã tiếp cận được các sàn thương mại điện tử như Amazon, Alibaba và có được đại lý tại Nhật Bản. “Đây là cơ hội tốt để Sokfarm tiếp cận các doanh nghiệp nước ngoài. Mặc dù chúng tôi xác định khoảng 2 - 3 năm nữa mới đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng không phải đến thời điểm đó mới đi tìm đối tác”, Đình Ngãi nói.

Chị Chal Thi: 'Tất cả các thành viên tại Sokfarm đều cảm nhận được hạnh phúc, đúng như tên gọi'. Ảnh: Đình Tú.

Chị Chal Thi: "Tất cả các thành viên tại Sokfarm đều cảm nhận được hạnh phúc, đúng như tên gọi". Ảnh: Đình Tú.

Đình Ngãi cho biết, sản phẩm mật hoa dừa có ưu điểm là chỉ số đường huyết thấp, nên phù hợp với người ăn kiêng và bệnh nhân tiểu đường, đồng thời sản phẩm chứa khoáng cao giúp tham gia vào quá trình cân bằng điện giải, hồi phục sức khỏe, sinh năng lượng và tăng sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể. Đặc biệt, sản phẩm hoàn toàn từ thực vật nên phù hợp cho người ăn thuần chay và các món chay.

Sản phẩm mật hoa dừa của Sokfarm. Ảnh: Sokfarm.

Sản phẩm mật hoa dừa của Sokfarm. Ảnh: Sokfarm.

“Tính đến thời điểm này, thành công nhất của Sokfarm là gì?”, tôi hỏi. “Đó là cái tên nông trại đã trở thành hiện thực. “Sok” trong tiếng Khmer có nghĩa là hạnh phúc. Hiện vợ chồng tôi đã liên kết trồng dừa với các hộ xung quanh trên diện tích 25ha. Còn tại nông trại Sokfarm, đang có 30 nhân công làm toàn thời gian với mức lương tháng gần 10 triệu đồng/người. Tất cả mọi người đều rất yêu công việc, yêu mảnh đất này, luôn nở nụ cười trên môi. Bởi vì từ ngày liên kết với Sokfarm hoặc đến nông trại làm việc, thu nhập của họ tăng lên gấp 4 - 5 lần trước kia. Họ hạnh phúc vì loài cây gắn bó với cả cuộc đời ở quê, và cái tên mật dừa Sokfarm Trà Vinh được nhiều người không chỉ trong nước mà ở nước ngoài cũng biết”, Chal Thi cười, nói một mạch.

Còn Đình Ngãi cũng nói: “Người nông dân gắn bó với cây dừa mỗi ngày, họ có thể vui buồn, giận hờn với nó. Có thể nhiều người không tin, nhưng khi họ làm việc trong niềm vui và hạnh phúc, cái cây cũng cho họ nhiều mật hơn bình thường”.

Hiện tại, mỗi tháng Sokfarm cho ra thị trường 3.000 sản phẩm, toả đi hơn 20 tỉnh, thành với hơn 40 đại lý. Sokfarm đã đạt các chứng nhận HACCP, ISO22000, FDA, 5S, sản phẩm OCOP 5 sao 2020. Năm 2021, Sokfarm là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đoạt giải thưởng ASEAN Business Awards ở hạng mục Inclusive Business (Doanh nghiệp phát triển bao trùm). Và cũng năm 2021, Thạch Thị Chal Thy cũng là một trong số 57 cá nhân được trao giải thưởng Lương Định Của.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm tặng quà, chúc Tết công nhân, gia đình chính sách

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt, chúc Tết công nhân lao động tỉnh Bắc Ninh, gửi lời chúc mừng doanh nghiệp, người lao động năm mới đạt nhiều kết quả, thắng lợi mới.

Cống âu Rạch Mọp cán đích trước tháng 3/2025

Sóc Trăng Cống âu Rạch Mọp đang bước vào giai đoạn nước rút, các kỹ sư, công nhân quyết tâm thi công xuyên Tết, phấn đấu đưa công trình vào vận hành trước tháng 3/2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xác cá voi nặng khoảng 300kg trôi dạt vào bờ biển Quảng Trị

Xác cá voi, dài khoảng 4m, nặng 300kg vừa được phát hiện tại bờ biển Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị trong tình trạng phân hủy nặng.