Nông hộ Nguyễn Văn Khanh (ấp Hồng Kỳ, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, Đồng Tháp) tiên phong tham gia 32 hecta canh tác vào 'Chương trình Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL' giai đoạn 2023 - 2027.
Tại Đồng Tháp, nỗ lực từ những “hạt nhân” của ngành hàng lúa gạo – chính những người nông dân, HTX – đang tô đậm bức tranh tương lai về phát triển thương hiệu gạo các-bon thấp, hướng tới hoàn thiện khung chính sách thúc đẩy sản xuất lúa gạo các-bon thấp.
Đây là khu ruộng trồng lúa của nông hộ Nguyễn Văn Khanh- xã Hồng Kỳ, huyện Tam Nông, Đồng Tháp, hộ tiên phong tham gia 32 hecta canh tác vào ‘Chương trình Chuyển đổi Chuỗi giá trị Lúa gạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL’ giai đoạn 2023 – 2027.
Tham gia dự án, ông Khanh nhận được tư vấn, hỗ trợ từ cán bộ khuyến nông địa phương, cũng như đại diện doanh nghiệp thu mua và các tổ chức quốc tế. Ông coi đây là cơ hội để bản thân và cộng đồng chuyên nghiệp hóa hoạt động trong chuỗi giá trị gạo, góp phần vào sự thành công của Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Ông Khanh phải nghiêm túc áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác lúa bền vững, từ làm đất, gieo sạ, tưới ướt khô xen kẽ, bón phân và quản lý dịch hại tổng hợp. Được biết, ở địa phương, ông Khanh là nông dân tiêu biểu, là người tiên phong thay đổi thói quen canh tác truyền thống.
Ông NGUYỄN VĂN KHANH - Xã Hồng Kỳ, huyện Tam Nông, Đồng Tháp
“mình theo dõi báo đài thấy biến đổi khí hậu càng ngày càng khốc liệt, trước đây mình cũng áp dụng 1 vài mô hình nhưng k thấy hiệu quả như dự án này. Áp dụng dự án này, đầu tiên mình thấy hiệu quả kinh tế mang lại lợi ích cho mình. Nhưng bà con lân cận thấy mô hình của mình đem lại hiệu quả kinh tế cao thì bà con sẽ áp dụng theo quy trình của mình"
Bà LÊ THỊ BÉ SÁU - xã Hồng Kỳ, Tam Nông, Đồng Tháp
“ngày xưa mình xạ dày thì tốn phân nhiều là được lúa ít, bây giờ thấy người ta gieo thưa tốn ít phân hơn mà lúa trúng nhiều. Thì bây giờ mình học hỏi theo, những người nông dân mà làm trúng học hỏi theo người ta rồi mình làm.”
Nỗ lực từ những “hạt nhân” của ngành hàng lúa gạo ở Đồng Tháp – chính những người nông dân, HTX – đang tô đậm bức tranh tương lai về phát triển thương hiệu gạo các-bon thấp, hướng tới hoàn thiện khung chính sách thúc đẩy sản xuất lúa gạo các-bon thấp.
Dù mới chỉ ở giai đoạn đầu, tinh thần đổi mới của bà con huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp được kỳ vọng sẽ trở thành điển hình cho mối quan hệ hợp tác giữa nông dân, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Ông NGUYỄN THANH HỒNG - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp
‘Đề án 1 triệu ha lúa là 1 cơ hội, nếu nông dân tham gia tốt sẽ góp phần bảo vệ môi trường, tăng thu nhập trên diện tích sx của mình. Nhưng không phải là việc dễ để nông dân tham gia, phải có sự tuyên truyền vận động, đồng bộ. Phải xây dựng các mô hình, thông qua các mô hình được nhà nước hỗ trợ 1 phần, sau khi có mô hình thì mới truyền tải được cho người nông dân rồi nhân rộng ra để người nông dân tham gia.’
Khởi đầu từ người trồng lúa, Đề án 1 triệu ha hướng tới tư duy kinh tế nông nghiệp. 32ha đất ruộng của nông hộ Nguyễn Văn Khanh tuy có thể được coi là ‘nhỏ bé’ so với mục tiêu chung của toàn vùng ĐBSCL, nhưng sự dấn thân của ông minh chứng cho những đột phá ban đầu về tổ chức lại phương thức sản xuất, canh tác, xây dựng thương hiệu gạo Việt ‘giảm phát thải, thân thiện với môi trường’.