Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát đã gây thiệt hại nặng nề cho sinh kế của nhiều nông dân và đòi hỏi nhiều thời gian, công sức để khôi phục đàn vật nuôi.
Từ ngày 17–18/10, Hội thảo “Từ nghiên cứu đến chính sách: Cải thiện công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh trên động vật tại Việt Nam” đã khép lại chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thành lập Viện nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI). Hội thảo nhận diện đóng góp quan trọng của hệ thống chăn nuôi đối với an ninh lương thực thực phẩm.
Thời gian qua, dịch bệnh trên động vật bùng phát đã gây thiệt hại nặng nề cho sinh kế của nhiều nông dân và đòi hỏi nhiều thời gian, công sức để khôi phục đàn vật nuôi.
Đặc biệt, dịch tả lợn Châu Phi đã làm giảm đáng kể nguồn cung thực phẩm từ động vật, đặc biệt là thịt lợn, một loại thực phẩm rất quan trọng trong chế độ ăn uống của người Việt Nam. Dịch có khả năng gây tử vong lên đến 100% ở các đàn lợn bị nhiễm bệnh, có nghĩa là hầu hết lợn sẽ chết khi mắc phải virus.
Tiến sĩ NGUYỄN VĂN LONG - Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN-PTNT
“Trên phạm vi toàn quốc, chúng ta vẫn kiểm soát tốt bệnh dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là các tỉnh từ phía miền Trung trở vào miền Nam. Tuy nhiên thì từ tháng 5/2024 đến nay thì dịch có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là các tỉnh miền Bắc, lấy ví dụ như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh và một số tỉnh khác. Thế tính từ đầu năm đến nay trên phạm vi cả nước đã có trên 1.300 mầm dịch tại 47 tỉnh, thành phố buộc tiêu hủy là trên gần 60.000 người con lợn”.
Lãnh đạo Cục Thú y nhận định, nguy cơ dịch bệnh tăng mạnh từ nay đến cuối năm do một số lý do. Đầu tiên, thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường thuận lợi cho chủng virus phát triển. Mưa lũ ở các tỉnh phía bắc tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và phát tán ra môi trường.
Bên cạnh đó, nông dân đang tái đàn, tăng đàn phục vụ nhu cầu dịp Tết, dẫn đến việc giết mổ, vận chuyển gia tăng. Chính vì vậy, nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trở lại là rất cao, cũng như nguy cơ cúm gia cầm, lở mồm long móng hoặc viêm da nổi cục.