Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên lợn, đã được Bộ NN-PTNT phân loại là bệnh phải công bố dịch theo Thông tư số 24/2019/TT-BNNPTNT. Mặc dù DTLCP không lây truyền sang người, nhưng sự lây lan nhanh chóng của bệnh có thể hủy diệt đàn lợn, gây ra những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng và đe dọa đến ngành nông nghiệp nói chung.
Trước những thách thức do DTLCP gây ra, Cục Thú y, Viện Thú y và Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI) đã thực hiện một số nghiên cứu và dự án tại Việt Nam.
Nhận thấy nhu cầu cấp thiết về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, Cục Thú y, Viện Thú y và ILRI phối hợp đồng tổ chức hội thảo "Từ nghiên cứu đến chính sách: Cải thiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại Việt Nam" được tổ chức vào ngày 17 - 18/10 năm 2024 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Hội thảo nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và chính sách, tập trung chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới nhất liên quan đến phòng, chống DTLCP cả trong và ngoài nước. Các diễn giả đã trình bày về nhiều chủ đề, bao gồm tổng quan tình hình DTLCP hiện nay tại Việt Nam, các phương pháp tiếp cận sáng tạo trong kiểm soát dịch bệnh, tiến bộ trong phát triển vacxin và những câu chuyện thành công từ các bên liên quan trong ngành chăn nuôi.
TS Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, đánh giá cao tầm quan trọng của sự hợp tác, ông nói: "Để kiểm soát hiệu quả DTLCP, chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp, đối tác quốc tế và quan trọng nhất là các hộ chăn nuôi lợn. Các kết quả nghiên cứu sẽ được tổng hợp và phân tích để cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng chính sách phù hợp với thách thức".
Trong khi đó, TS Shirley Tarawali, Phó Tổng giám đốc ILRI, nhấn mạnh tầm quan trọng của hội thảo: "Để giải quyết những thách thức này đòi hỏi nỗ lực mạnh mẽ từ tất cả các bên liên quan. Việc tích hợp kết quả nghiên cứu vào quá trình hoạch định chính sách đóng vai trò quan trọng để phát triển các chiến lược phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt lớn để đối mặt với các thách thức mà ngành chăn nuôi đang gặp phải và đóng góp cho một hệ thống nông nghiệp bền vững và có khả năng chống chịu tốt hơn".
Một kết quả quan trọng của hội thảo là xây dựng một số khuyến nghị hành động cho Kế hoạch Quốc gia về Phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi giai đoạn 2026 - 2030 sắp tới. Các đại biểu đã chỉ ra sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác công - tư để nâng cao hiệu quả của các chiến lược ứng phó DTLCP.
Sự hợp tác này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp bằng chứng khoa học vào quá trình hoạch định chính sách, đảm bảo rằng các kết quả nghiên cứu mới nhất sẽ hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách.