Nguyên liệu gỗ sẽ giảm khoảng 3,5 triệu m3/năm do ảnh hưởng của bão. Tập đoàn GROWMAX tiếp tục trao xe đạp cho học sinh nghèo Thanh Hóa. Hồ Dầu Tiếng xả lũ 100m3/giây đợt 1 năm 2024. Cà Mau kiến nghị Trung ương hỗ trợ 1.300 tỷ khắc phục sạt lở bờ biển.
Nguyên liệu gỗsẽ giảm khoảng 3,5 triệu m3/năm do ảnh hưởng của bão
Thanh Thủy – Sx
Phát biểu tại Hội nghị bàn giải pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trong lĩnh vực lâm nghiệp diễn ra sáng 24/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, đối với những diện tích thiệt hại nặng không thể khôi phục cần tận dụng những cây gãy đổ làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và nhanh chóng trồng lại rừng mới. Đối với các diện tích rừng tự nhiên cần phát dọn các vật liệu tránh cháy rừng và thường xuyên tuần tra kiểm soát các đối tượng lợi dụng để khai thác. Giảm thiểu xuất khẩu gỗ nguyên liệu, xem xét nhập các giống phù hợp cho các địa phương trồng mới rừng đảm bảo nguyên liệu cho chế biến trong 5-7 năm tới.
Tính đến 16 giờ ngày 23/9, bão số 3 đã gây thiệt hại về rừng tại 13 tỉnh với diện tích gần 170.000 ha, chưa tính diện tích rừng tự nhiên bị sạt, trượt. Nặng nhất là Quảng Ninh 110.700ha, Hải Phòng, hơn 10.000 ha, Lạng Sơn 19.700 ha, Bắc Giang 26.400 ha… Bên cạnh đó, bão số 3 cũng khiến xưởng sản xuất, máy móc thiết bị và sản phẩm gỗ của nhiều doanh nghiệp bị ngập nước. Dự báo, lượng gỗ nguyên liệu cung cấp trong ngành chế biến thời gian tới sẽ giảm khoảng 3,5 triệu m3/năm. Ước tính giá trị xuất khẩu dăm gỗ, viên nén, các loại gỗ có thể giảm khoảng 300 triệu USD.
Tập đoàn GROWMAX tiếp tục trao xe đạp cho học sinh nghèo Thanh Hóa
Quốc Toản - Sx
Ngày 24/9, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Tập đoàn GrowMax tổ chức trao tặng 15 chiếc xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Bùi Quốc Bắc, Trưởng đại diện GROWMAX tại Thanh Hóa cho biết, những món quà tuy không lớn nhưng đây là sự động viên nhằm tiếp thêm động lực để các em vững bước đến trường, phấn đấu vươn lên và đạt thành tích cao trong học tập để trở thành người có ích cho xã hội trong tương lai. Chiều nay, Báo NNVN và Tập đoàn GrowMax sẽ tiếp tục trao xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó tại trường cấp 1 Quảng Chính, huyện Quảng Xương.
Hồ Dầu Tiếng xả lũ 100m3/giây đợt 1 năm 2024
Trần Trung - Sx
Ngày 24/9, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam thông báo kế hoạch xả lũ qua tràn hồ Dầu Tiếng đợt 1. Theo đó, để đảm bảo an toàn hồ chứa, từ 7 giờ ngày 24/9 đến 7 giờ ngày 1/10, hồ Dầu Tiếng bắt đầu xả lũ với lưu lượng 100 m3/giây. Tổng lượng xả khoảng 60,48 triệu m3 nước.
Theo ông Trần Quang Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam, để có dung tích phòng lũ chủ động, ứng phó với tình hình mưa lũ trong thời gian tới, đảm bảo an toàn công trình, phòng và giảm lũ cho vùng hạ du, đơn vị này đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, chính quyền các địa phương, đơn vị liên quan vùng hạ du sông Sài Gòn cần chủ động các phương án PCTT khi hồ xả lũ.
Cà Mau kiến nghị Trung ương hỗ trợ 1.300 tỷ khắc phục sạt lở bờ biển
Văn Vũ - Sx
Cà Mau là tỉnh duy nhất của cả nước có 3 mặt giáp biển, tổng chiều dài bờ biển hơn 250 km, dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu. Sụp lún, nước biển dâng, cùng với các hình thái thời tiết cực đoan khiến cho bờ biển thuộc tỉnh này sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Hiện tổng chiều dài các đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm khoảng 84 km.
Trong đó, bờ biển Tây bị sạt lở nguy hiểm với chiều dài 22 km; bờ biển Đông gần 62 km. UBND tỉnh Cà Mau đã kiến nghị với Trung ương xin được hỗ trợ khẩn cấp 1.300 tỉ đồng cho tỉnh thực hiện 3 dự án khắc phục gần 21 km bờ biển đang bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng.
TIN CHƯA SỬ DỤNG
Sóc Trăng cho vay không lãi suất để phát triển chăn nuôi
Khai thác
Mô hình chăn nuôi bò đang phát triển khá mạnh trong đồng bào dân tộc Khmer ở các huyện Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng. Từ năm 2021, UBND tỉnh đầu tư trên 2.200 tỷ đồng triển khai Dự án phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022 – 2025. Từ đây, người dân có nguồn lực đầu tư chuồng trại kiên cố, tiếp cận nguồn vốn vay không lãi suất để đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ chăn nuôi.