Nhiều nông dân Hậu Giang phá mía trồng khoai môn. Đồng Nai di dời khẩn 396 lồng bè trước mùa mưa lũ. Hồng Kông chiếm 65% kim ngạch xuất khẩu thịt của Việt Nam. Phát hiện loài cá sống ở độ sâu hơn 8km.
NHIỀU NÔNG DÂN HẬU GIANG PHÁ MÍA TRỒNG KHOAI MÔN
Văn Vũ
Những năm gần đây, giá mía bấp bênh nên nhiều nông dân ở tỉnh Hậu Giang đã chủ động bỏ mía chuyển sang các loại cây ăn trái, hoa màu, trong đó có khoai môn. Một loại nông sản cho giá trị kinh tế khá cao. Giống khoai môn trắng với ưu điểm là dễ trồng, năng suất cao, chất lượng ngon, ít bị sượng được nhiều nông dân lựa chọn.
Trung bình 1000m2 trồng được khoảng 1200 bụi, sau 8 tháng sẽ thu hoạch với năng suất mỗi bụi từ 1,5-2kg, tương đương khoảng 2 tấn/công. Khoai môn được thương lái thu mua ở mức 19 ngàn đồng/kg, trừ hết chi phí cho thu nhập gần 250 triệụ/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng mía. Hiện các vùng trồng khoai môn tập trung tại các huyện Phụng Hiệp, Châu Thành A và thị xã Ngã bảy, với diện tích lên tới hàng trăm ha. trồng khoai môn.
ĐỒNG NAI DI DỜI KHẨN 396 LỒNG BÈ TRƯỚC MÙA MƯA LŨ
(Trần Trung - Lê Bình)
Hiện nay tỉnh Đồng Nai đang chuẩn bị bước vào mùa khô. Để tránh thiệt hại cho các hộ dân nuôi cá lồng bè trên hồ Trị An trong thời điểm mực nước xuống thấp và giao mùa, UBND tỉnh Đồng Nai đã thông báo đến các hộ đang nuôi cá lồng tại khu vực buộc phải khẩn trương di dời đến vùng nuôi đã được quy hoạch.
Tại khu vực ngã ba sông La Ngà đến suối Tam Bung, hiện vẫn còn 135 hộ với 396 lồng bè chưa thực hiện di dời ra vùng nuôi theo quy định.
Đối với các hộ không chấp hành di dời, nếu bị thiệt hại xảy ra thì chủ lồng bè phải tự chịu trách nhiệm và sẽ không được xem xét hỗ trợ theo quy định.
Theo Đề án Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An, có khoảng 240 hộ nuôi cá bè trên hồ với hơn 1.200 lồng bè phải di dời.
HỒNG KÔNG CHIẾM GẦN MỘT NỬA LƯỢNG THỊT XUẤT KHẨU CỦA VIỆT NAM
(THANH SƠN - NGUYỄN THUỶ)
Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu được gần 4 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 16 triệu đô la Mỹ, tăng 59% về lượng và tăng 50% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt tăng là do xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt như thị trường Hồng Kông, Bỉ, Malaysia, Hàn Quốc, Lào... tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Hồng Kông là thị trưởng lớn nhất của thịt và các sản phẩm thịt Việt Nam, chiếm 44 phần trăm về lượng và 65 phần trăm về kim ngạch.
Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang Hồng Kông chủ yếu là thịt lợn sữa đông lạnh nguyên con và thịt lợn nguyên con đông lạnh.
PHÁT HIỆN LOÀI CÁ SỐNG Ở ĐỘ SÂU HƠN 8KM
Các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu biển sâu thuộc Đại học Minderoo - Tây Úc và Đại học Khoa học - Công nghệ hàng hải Tokyo đã phát hiện loài cá ốc thuộc chi Pseudoliparis ở độ sâu 8.336m dưới biển ở rãnh Izu-Ogasawara, Đông Nam Nhật Bản.
Đoạn video được quay bằng thiết bị camera thả xuống từ một tàu nghiên cứu biển sâu trong chuyến thám hiểm kéo dài hai tháng bắt đầu vào năm ngoái.
Trước đó, kỷ lục vùng nước sâu nhất có cá được xác lập vào năm 2017 khi các nhà khoa học phát hiện loài cá ốc Mariana ở độ sâu 8.178m dưới rãnh Mariana nằm ở Tây Thái Bình Dương. Đây được coi là điểm sâu nhất trên Trái đất.
Cá ốc thuộc nhóm sinh vật đa bào, được biết đến có hơn 400 loài. Loài cá này có môi trường sống đa dạng, từ những vùng nước nông đến những vùng nước sâu thẳm nhất dưới đáy đại dương.