Giữa mênh mông biển khơi, qua bàn tay, công sức của các cán bộ, chiến sỹ Hải quân, những hòn đảo lớn nhỏ của quần đảo Trường Sa đã và đang phủ một màu xanh mướt. Mỗi đảo hôm nay được ví như một 'công viên xanh' giữa biển khơi…
MC:
Kính chào quý vị và các bạn!
Với đặc thù về thổ nhưỡng ở Trường Sa chủ yếu là cát, san hô nên khả năng giữ nước rất hạn chế. Đất được mang từ trong bờ ra nhưng do không khí có nồng độ muối cao nên chỉ sau một thời gian trồng cây, đất cũng bạc màu và nghèo dinh dưỡng. Bên cạnh đó, thời tiết ở Trường Sa rất khắc nghiệt theo 2 mùa rõ rệt. Mùa khô thì thiếu nước, mùa mưa thì bão, gió lớn. Vì vậy để có một cây xanh tươi tốt, tỏa bóng mát trên các đảo ở Trường Sa không phải là dễ thực hiện.
Để hiểu rõ hơn về hoạt động trồng và chăm sóc cây xanh trên đảo của cán bộ chiến sĩ Trường Sa mời quý khán giả cùng đến với ghi nhận do phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, khu vực Đông Nam Bộ thực hiện.
Nằm giữa biển Đông, quần đảo Trường Sa gồm hơn 134 đảo, bãi đá, bãi cạn, bãi ngầm với diện tích khoảng 160 đến 180 nghìn km2. Trong những trang sử cũ, Trường Sa được gọi là quần đảo bão tố, các đảo hầu như trơ trọi, chỉ có đá và cát trắng, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa những ngày mới giải phóng khó khăn, chồng chất khó khăn, thời tiết ở đây rất khắc nghiệt.
Hằng năm quần đảo có tới trên 130 ngày gió thổi mạnh từ cấp 6 trở lên, số ngày nắng trên 270 ngày một năm khiến các đảo trở nên khô khát. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trên các đảo ở Trường Sa chỉ được dùng từ 5 - 10 lít nước ngọt một ngày cho tất cả các sinh hoạt, tại các đảo chìm thì còn khó khăn hơn. Thế nhưng, ngày nay giữa mênh mông biển khơi, qua bàn tay, công sức của cán bộ, chiến sỹ Hải quân, các hòn đảo lớn nhỏ của quần đảo Trường Sa đã phủ một màu xanh mát, khiến ai đến với Trường Sa cũng yêu mến gọi nơi đây là quần đảo xanh.
PV: Trung tá NGUYỄN THIÊN HÒA - Phó Chỉ huy Trưởng đảo Trường Sa, Lữ Đoàn 146, Vùng 4 Hải Quân:
…………………………………………………………………………….
Đối với những người lính trên các đảo vẫn luôn ngày đêm duy trì nghiêm túc việc thực hiện nhiệm vụ canh giữ biển đảo Tổ quốc. Nếu như ở đất liền, không khí mát mẻ se lạnh của tiết trời thu đông mang đến thì giữa biển trời Trường Sa là nắng gắt và gió biển mặn chát quanh năm. Chính vì thế, việ c trồng cây xanh lấy bóng mát, ngăn gió biển luôn được các đảo đặc biệt quan tâm. Hàng năm luôn có những chương trình: mỗi chiến sỹ trồng một cây xanh, mỗi đơn vị một vườn cây…
PV: Ông NGÔ XUÂN CHINH, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao Tiến bộ Kỹ thuật Nông nghiệp – Cán bộ Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam (Bộ NN-PTNT)
PV: Tiến sĩ PHAN THỊ THU HIỀN – Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch
Phan Thị Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm KDTV sau nhập khẩu 2 (Cục BVTV)
Trường Sa Lớn được mệnh danh là “thủ đô” của huyện đảo Trường Sa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi bây giờ không còn là hòn đảo chỉ toàn cát trắng và san hô mà ngày nay đã được bao phủ bởi gần 50% cây xanh, cây ăn trái, rau, hoa.. xen giữa những công trình mái ngói đỏ tươi, vừa cung cấp thực phẩm cho quân, dân, vừa tạo cảnh quan thiên nhiên xanh-sạch-đẹp.
PV: Chị PHẠM THÙY DƯƠNG – Đại biểu Đoàn công tác số 11 – Tây Nam Bộ
Từ các đảo nổi Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết đến đảo chìm Đá Thị, Đá Nam…đều xanh mướt một màu, quanh năm không khí mát rượi. Ngoài các loại cây đặc sản trên đảo, mỗi dịp từ đất liền ra công tác, các đoàn khách đều mang theo những cây trồng vùng miền như bưởi, cam, ổi, xoài…và được các cán bộ chiến sĩ trên đảo chăm sóc chu đáo. Nhờ đó, bây giờ khắp các đảo đều được phủ xanh và qua mỗi thế hệ, đảo lại thêm nhiều cây xanh hơn nữa.
PV: Chuẩn Đô đốc PHẠM NHƯ XUÂN, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải Quân …………………………………………………………………………..
Nam Yết - được mệnh danh là “Đảo xanh” của quần đảo Trường Sa bởi trên đảo có sự hiện diện và trường tồn của nhiều chủng loại cây xanh. Ngoài “cây đặc sản” là cây bàng quả vuông, cây bão táp, ở trên đảo còn có những loại cây từ đất liền như cây mù u, xoài, mít, chanh, ổi, đủ đủ và dừa. Trong đó, đặc biệt là cây mù u trở thành cây di sản và cây dừa Trường Sa.
Quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc đang vươn mình qua mỗi mùa Xuân. Cùng với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quốc gia, lớp lớp cán bộ, chiến sỹ ở quần đảo Trường Sa vẫn luôn miệt mài “dệt thảm xanh” cho quần đảo nơi mình sinh sống và làm nhiệm vụ. Qua đó, góp phần bảo vệ sự trường tồn của các điểm đảo với sự khắc nghiệt của sóng, gió giữa trùng khơi….
Thưa quý vị
Giữa biển khơi nơi chỉ có nắng, nóng, sóng và gió biển được coi là “đặc sản” mỗi khi nhắc đến Trường Sa. Tuy nhiên, ngày nay điều khiến bất cứ ai khi đặt chân đến những đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa đều không khỏi ngạc nhiên bởi các đảo đều được phủ một màu xanh của cây lá tươi tốt.
Cây xanh ở Trường Sa không những tạo cảnh quan đẹp, điều hòa khí hậu, ngọt hóa đất đai, tạo bóng mát mà còn giúp che chắn gió, bão, góp phần trực tiếp vào khả năng phòng thủ chiến đấu của quân, dân trên đảo. Với mỗi đảo hôm nay được ví như một “công viên xanh” giữa biển khơi…
Phóng sự do Báo Nông Nghiệp Việt Nam thực hiện đến đây cũng xin phép được khép lại. Xin cám ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.