| Hotline: 0983.970.780

Sức sống Trường Sa

Âu tàu - điểm tựa của ngư dân giữa trùng khơi

Thứ Năm 01/06/2023 , 06:00 (GMT+7)

Đảo Đá Tây được mệnh danh là 'thành phố' của những đảo chìm trên quần đảo Trường Sa, có âu tàu rộng mênh mông, giúp ngư dân tránh trú bão an toàn khi ra khơi…

Dịch vụ hậu cần, cần gì cũng có

Đá Tây là cụm đảo chìm, gồm 3 điểm đảo: Đá Tây A, Đá Tây B và Đá Tây C. Khi tàu Kiểm ngư KN - 491 neo cách cụm đảo chừng vài hải lý, nhìn từ xa, Đá Tây A tựa như một con thuyền lớn vững chãi giữa biển Đông.

Quả đúng với danh hiệu “thành phố” của những đảo chìm, ở Đá Tây A luôn sôi động, tấp nập tàu thuyền qua lại, bởi ở đây có Trung tâm Dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây thuộc Công ty Một thành viên (MTV) Dịch vụ khai thác biển Đông. Trung tâm chính thức hoạt động từ tháng 5/2005, được Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ cung ứng các dịch vụ hậu cần nghề cá cho tàu thuyền khai thác hải sản của ngư dân Việt Nam.

Đúng với danh hiệu 'thành phố' của những đảo chìm, điểm đảo Đá Tây A luôn sôi động, tấp nập tàu thuyền qua lại, bởi ở đây có Trung tâm Dịch vụ hậu cần Đảo Đá Tây thuộc Công ty Một thành viên Dịch vụ khai thác biển Đông (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Sáng.

Đúng với danh hiệu “thành phố” của những đảo chìm, điểm đảo Đá Tây A luôn sôi động, tấp nập tàu thuyền qua lại, bởi ở đây có Trung tâm Dịch vụ hậu cần Đảo Đá Tây thuộc Công ty Một thành viên Dịch vụ khai thác biển Đông (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Sáng.

Bài liên quan

Ghé thăm điểm đảo Đá Tây A, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là được chứng kiến một âu tàu rộng lớn, có vịnh sâu và bãi san hô bao quanh, được xây dựng vững chắc, đủ để có thể chứa được hơn 200 tàu thuyền của ngư dân vào tránh trú bão an toàn. Đồng thời, nơi đây còn có dịch vụ cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết cho ngư dân như nước ngọt, thực phẩm, xăng dầu khi ra khơi dài ngày.

Giới thiệu với về những dịch vụ hậu cần tiện ích cho ngư dân giữa biển xa với giá như trong bờ, anh Trương Khắc Định, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây vui vẻ nói: “Càng ngày số lượng tàu thuyền ghé vào âu tàu để tiếp nhiên liệu hay tránh trú bão càng đông hơn so với trước. Đặc biệt, Trung tâm còn triển khai kế hoạch thu mua thủy sản cho ngư dân, vận hành và khai thác nhà máy sản xuất nước đá, kho đông, kho lạnh giúp ngư dân yên tâm hơn khi vươn khơi bám biển”.

Âu tàu rộng lớn tại đảo Đá Tây có thể cho phép hàng trăm tàu thuyền của ngư dân vào tránh trú. Ảnh: Minh Sáng.

Âu tàu rộng lớn tại đảo Đá Tây có thể cho phép hàng trăm tàu thuyền của ngư dân vào tránh trú. Ảnh: Minh Sáng.

Bài liên quan

Theo anh Định, tùy theo mùa, 3 tháng đầu năm sóng yên biển lặng, tàu thuyền đi đánh bắt rất nhiều nên cũng là lúc cao điểm hoạt động của Trung tâm. Mọi người thường phải tăng ca suốt ngày đêm mới kịp cung ứng cho nhu cầu của bà con ngư dân tránh trú. Thời điểm này, trong âu tàu đảo Đá Tây A cũng đang có khá nhiều tàu ghé đậu chờ tiếp nhiên liệu và các dịch vụ hậu cần khác. 

Từng nhiều lần đưa tàu cá của mình vào âu tàu đảo Đá Tây A tránh trú nhiều lần an toàn, ông Trần Quốc Mạnh, thuyền trưởng tàu BĐ 96556-TS luôn coi Trung tâm Dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây là nơi tin tưởng để tiếp tế nhiên liệu, đá lạnh và bổ sung những nhu yếu phẩm cần thiết.

Ông Thanh kể: “Tàu cá của tôi đã nhiều lần vào âu tàu này để tránh bão, có lần khi tàu vừa ra đến khu vực đánh bắt, chưa kịp thả lưới thì gặp liên tiếp hai cơn bão số 15, số 16, phải cho thuyền chạy vào âu tàu để trú ẩn. Chờ khi bão tan mới tiếp tục cho thuyền ra vùng biển Trường Sa đánh bắt”.

Âu tàu tại đảo Đá Tây thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân mỗi lần vươn khơi bám biển. Ảnh: Minh Sáng.

Âu tàu tại đảo Đá Tây thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân mỗi lần vươn khơi bám biển. Ảnh: Minh Sáng.

Theo ông Thanh, nếu không có âu tàu này thì tàu ông phải chạy mất 3 ngày mới đến nơi tránh trú bão, còn ghé vào đây gần hơn, chỉ mất khoảng 1 ngày. Đặc biệt, khi cần tiếp tế nhiên liệu thì không cần phải chạy vào đất liền như trước đây nữa mà ghé vào âu tàu này “món” gì cũng có, giá cả cũng chỉ ngang trong bờ, rất thuận tiện.

Tương tự, ông Lê Xuân Dư, thuyền trưởng tàu cá NT 90228 - TS cũng cho biết, trung bình mỗi chuyến vươn khơi kéo dài khoảng 16 ngày (trừ khi tàu bị trục trặc). Mỗi chuyến đi thường được chuẩn bị kỹ càng nhưng cũng không thể mãi suôn sẻ, nhất là lúc gặp thời tiết xấu, cần phải trú tránh.

“Trước đây khi chưa có các âu tàu, cứ mỗi lần nghe tin sắp có dông bão thì bà con ngư dân chúng tôi lại phải nhanh chóng quay về bờ, tốn kém, thiệt hại nhiều. Còn giờ có âu tàu mình ghé neo đậu, nghỉ ngơi thoải mái, đồng thời các dịch vụ hậu cần, kỹ thuật, sửa chữa cũng sẵn sàng giúp mình miễn phí khi tàu bị hư hỏng, bà con ngư dân chúng tôi càng yên tâm vươn khơi, bám biển”, ông Dư chia sẻ.

Trước đây khi chưa có âu tàu, mỗi lần nghe tin sắp có dông bão thì bà con ngư dân lại phải nhanh chóng quay về bờ, tốn kém, thiệt hại nhiều. Ảnh: Minh Sáng.

Trước đây khi chưa có âu tàu, mỗi lần nghe tin sắp có dông bão thì bà con ngư dân lại phải nhanh chóng quay về bờ, tốn kém, thiệt hại nhiều. Ảnh: Minh Sáng.

Tới thăm đảo Đá Tây, mọi người trong đoàn công tác được tham quan nhà xưởng với hệ thống trang thiết bị khá đầy đủ, hiện đại và dây chuyền vận chuyển đá cây từ nhà máy sản xuất dẫn ra tận bến tàu đậu.

Đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm Dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây đều có tay nghề cao. Không chỉ là điểm tựa giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản trên vùng biển của nước ta, cán bộ, nhân viên Trung tâm Dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây còn thường xuyên tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

"Siêu thị" giữa trùng khơi

Bước chân lên đảo, chúng tôi bất ngờ khi được nghe cán bộ, chiến sỹ giới thiệu về nơi có thể mua các loại nước giải khát, hay những món quà lưu niệm ở ngay trên đảo Đá Tây A. “Siêu thị” là cái tên quen thuộc mà cán bộ, chiến sỹ và ngư dân đặt cho cửa hàng dịch vụ hậu cần của Trung tâm Dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây (thuộc Công ty MTV Dịch vụ khai thác biển Đông - Bộ NN-PTNT).

Cửa hàng dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây được ngư dân gọi thân thuộc là 'siêu thị'. Ảnh: Minh Sáng.

Cửa hàng dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây được ngư dân gọi thân thuộc là "siêu thị". Ảnh: Minh Sáng.

Anh Nguyễn Văn Tấn, nhân viên thu ngân của cửa hàng cho hay: "Trong cửa hàng có bán các mặt hàng thiết yếu cung ứng cho bà con ngư dân để kéo dài thời gian bám biển, với giá cả bằng giá ở đất liền. Tại đây, chúng tôi luôn cung ứng đủ hàng hóa theo nhu cầu của ngư dân mua sắm.

Đồng thời, Trung tâm nhận sửa chữa tàu thuyền hư hỏng, cứu hộ, cứu nạn trên biển; kết hợp với bộ đội hải quân sắp xếp, bố trí tàu cho ngư dân vào âu thuyền Đá Tây A trú, tránh bão an toàn; thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái biển, góp phần xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc".

Theo anh Tấn, cửa hàng của Trung tâm Dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây có nhiệm vụ công ích trên vùng biển Trường Sa và Nhà giàn DK1. Cung ứng cho ngư dân nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm bằng giá niêm yết tại đất liền; đồng thời cung cấp nước ngọt, thuốc men miễn phí, hỗ trợ sửa chữa tàu thuyền, bố trí chỗ ăn, nghỉ cho ngư dân vào tránh trú bão.

Trong 'siêu thị' có bán các mặt hàng thiết yếu cung ứng cho bà con ngư dân để kéo dài thời gian bám biển với giá cả bằng giá ở đất liền. Ảnh: Minh Sáng.

Trong "siêu thị" có bán các mặt hàng thiết yếu cung ứng cho bà con ngư dân để kéo dài thời gian bám biển với giá cả bằng giá ở đất liền. Ảnh: Minh Sáng.

Tuy không quá rộng lớn, các kệ hàng trong "siêu thị" ở nơi đầu sóng ngọn gió này được bày ngăn nắp như các siêu thị mini ở trong đất liền. Các mặt hàng phổ biến gồm các loại nước giải khát có gas, mắm, muối, mì chính, dầu ăn và giày dép, mũ cối, và đặc biệt là có những chiếc áo màu đỏ sao vàng với dòng chữ “Đảo Đá Tây – Trường Sa”.

Anh Trương Khắc Định, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây cũng cho hay, trong năm qua, Trung tâm đã phối hợp cùng với các điểm đảo Đá Tây và Trạm Biên phòng triển khai khám, chữa bệnh cho hàng trăm ngư dân, cấp cứu các ngư dân bị ngộ độc, gặp tai nạn trong quá trình đánh bắt hải sản. Đồng thời, hỗ trợ lương thực, thực phẩm như gạo, mì tôm, đá lạnh, tư vấn và sửa chữa miễn phí tàu thuyền cho ngư dân.

“Trung tâm thường cung cấp nước ngọt miễn phí và sửa chữa tàu thuyền cho ngư dân, giúp bà con có những chuyến đi biển dài ngày hơn. Đồng thời, sản xuất, bán đá lạnh để ngư dân ướp cá, giúp họ bảo quản tôm cá tốt hơn, nâng cao giá trị cho chuyến đi biển. Những ngày giông bão, bà con vào tránh trú, Trung tâm hỗ trợ các dịch vụ chỗ ăn, ngủ hoàn toàn miễn phí giúp ngư dân rất yên tâm mỗi khi đưa tàu cá vào âu tàu của đảo”, anh Trương Khắc Định chia sẻ.

Trung tâm Dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây nhận sửa chữa tàu thuyền cho ngư dân khi gặp sự cố. Ảnh: Minh Sáng.

Trung tâm Dịch vụ hậu cần đảo Đá Tây nhận sửa chữa tàu thuyền cho ngư dân khi gặp sự cố. Ảnh: Minh Sáng.

"Siêu thị" không quá nhiều hàng như ở đất liền, nhưng giữa chốn trùng khơi sóng biển, việc mua bán, trao đổi cũng đủ làm ấm lòng những ai đến thăm. Không những thế, đây còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển, bám ngư trường. Rời đảo Đá Tây A, món quà của đảo gửi về đất liền là tình cảm ấm áp, với những cái bắt tay chặt cùng cái ôm bịn rịn. Và chiếc áo mang màu cờ Tổ quốc với dòng chữ màu vàng đậm “Đảo Đá Tây - Trường Sa” là món quà kỷ niệm quý giá mà phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã mua được ở "siêu thị" ngay trên “thành phố” của những đảo chìm.

Xem thêm
Công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc

Ngày 20/11, Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 cụm khu vực huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Quảng Nam sẽ là trung tâm sản xuất, cung ứng giống sâm Ngọc Linh

Mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trồng 10.000ha sâm Ngọc Linh, phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Sóc Trăng ‘vướng’ phân định ranh giới quản lý khu vực biển

Việc phân định ranh giới quản lý khu vực biển đang ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng vật liệu cát phục vụ thi công cao tốc của Sóc Trăng.