| Hotline: 0983.970.780

Sức sống Trường Sa

Gặp 'Mai An Tiêm' trên đảo Đá Tây

Thứ Sáu 02/06/2023 , 06:47 (GMT+7)

Đất trên đảo chỉ toàn cát đá san hô nghèo dinh dưỡng nhưng cây dưa hấu lại rất "bén duyên", cho quả nặng cả yến, thậm chí có quả nặng tới 18kg, ăn rất ngọt.

Vườn dưa cho trái nặng cả yến

Đảo Đá Tây A thuộc cụm đảo Đá Tây được mệnh danh là “thành phố” của những đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà. Mặc dù cách đất liền hơn 235 hải lý, nhưng cuộc sống của quân và dân trên đảo Đá Tây A mang dáng dấp của một “thành phố” hiện đại, năng động sáng tạo.

Cuộc sống của quân và dân trên đảo Đá Tây A mang dáng dấp của một 'thành phố' hiện đại, năng động. Ảnh: Minh Sáng.

Cuộc sống của quân và dân trên đảo Đá Tây A mang dáng dấp của một “thành phố” hiện đại, năng động. Ảnh: Minh Sáng.

Bài liên quan

Điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất khi vừa bước chân lên đảo là được tận mắt ngắm những vườn rau trồng trong nhà lưới đang vươn lên xanh tốt giữa đảo xa toàn cát đá san hô và nắng gió. Đặc biệt, quân và dân đảo Đá Tây A còn tự hào hơn khi trên đảo giờ đây trồng được cả dưa hấu cho trái to cả chục kg.

Dẫn chúng tôi ra vườn dưa hấu ngay dưới chân cột mốc chủ quyền đảo Đá Tây A, Thượng tá Nguyễn Văn Bách, Chính trị viên đảo Đá Tây vui vẻ giới thiệu: “Những năm gần đây, quân và dân trên đảo không chỉ chú trọng việc phủ xanh đảo mà còn tích cực trồng, chăm sóc được nhiều loại rau xanh, nhiều loại cây ăn trái như ở đất liền như dừa, đu đủ, xoài, mận, chuối..., đặc biệt là có giống dưa hấu cho quả rất to, anh em trên đảo ví là dưa “Mai An Tiêm” ngon ngọt, mát lành”.

Theo Thượng tá Bách, đây là vườn dưa hấu đặc biệt ở đảo, dù được trồng chủ yếu trên đất cát và san hô nhưng giống dưa hấu này vẫn cho quả to tới cả chục kg, lại không hề bị rỗng ruột, chất lượng ăn rất ngon, ngọt, thơm.

Vườn dưa hấu 'Mai An Tiêm' ngay dưới chân cột mốc chủ quyền đảo Đá Tây A. Ảnh: Minh Sáng.

Vườn dưa hấu "Mai An Tiêm" ngay dưới chân cột mốc chủ quyền đảo Đá Tây A. Ảnh: Minh Sáng.

Bài liên quan

Ngoài khâu chọn giống dưa phù hợp, quân và dân trên đảo còn được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (Bộ NN-PTNT) ra chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, tránh được những cơn mưa nặng hạt làm vị ngọt của dưa giảm. Hàng năm, cứ vào cuối tháng 5 cũng là thời điểm dưa thu hoạch rộ nhất.

Anh Trần Đình Hân, nhân viên Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây A chia sẻ: “Hàng ngày, anh em chúng tôi vẫn ra chăm sóc vườn dưa, chứng kiến cây ra hoa đậu trái rồi lớn "nhanh như thổi” khiến ai cũng cảm thấy vui, vì đó là thành quả lao động của mình và chờ đến ngày cho quả ngọt. Những trái dưa to được

Bài liên quan

anh em chia đều, mang đến tặng từng đơn vị đóng quân, ngư dân và các hộ dân trên đảo”.

Qua giới thiệu, chúng tôi gặp được “Mai An Tiêm” Trần Minh Đạt, thủy thủ thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản Biển Đông (thuộc Bộ NN-PTNT), anh chính là người đầu tiên đã trồng thành công dưa hấu trên đảo Đá Tây A.

Tay nâng niu những quả dưa hấu “khủng” là thành quả do chính mình trồng và chăm sóc, anh Đạt cười hạnh phúc kể: Khoảng 5 năm trước, lần đầu khi bước chân lên đảo Đá Tây A, anh đã nghĩ đến việc tìm cách trồng thêm rau quả để vừa tăng thêm màu xanh cho đảo, vừa cải thiện dinh dưỡng bữa ăn cho mọi người.

Việc trồng được dưa hấu trên hòn đảo mang khí hậu đặc trưng của quần đảo Trường Sa này được xem là một kỳ tích của quân và dân trên đảo xa. Ảnh: Ngô Xuân Chinh.

Việc trồng được dưa hấu trên hòn đảo mang khí hậu đặc trưng của quần đảo Trường Sa này được xem là một kỳ tích của quân và dân trên đảo xa. Ảnh: Ngô Xuân Chinh.

Đúng lúc đó thì đơn vị tiếp nhận được một ít hạt giống dưa của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam và chuyển giao kỹ thuật ra đảo, anh chỉ nghĩ đem trồng thử, không ngờ lại cho kết quả ngoài mong đợi, giống dưa hấu này phát triển rất tốt trên đảo và cho trái rất to.

“Có nhiều người bất ngờ vì không tin mình lại trồng được dưa hấu trên đảo toàn cát đá san hô như thế này, vừa được thưởng thức những miếng dưa hấu đỏ mọng, ngọt lịm mát lành, lại còn gửi cả dưa về đất liền để làm quà nữa”, anh Đạt tâm sự. 

Theo anh Đạt, đây là giống dưa hấu không hạt Mặt Trời Đỏ, trung bình 65 ngày có thể thu hoạch, mỗi năm chỉ có thể trồng được một vụ vào khoảng tháng 3 đến tháng 6 khi sóng êm, biển lặng. Do đặc thù trên đảo toàn cát đá san hô nghèo dinh dưỡng nên cần tăng cường nhiều phân bón hơn ở đất liền và mỗi ngày phải tưới nước ít nhất 2 lần thì cây mới phát triển tốt.

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo rất chăm chút cho vườn dưa hấu. Ảnh: Minh Sáng.

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo rất chăm chút cho vườn dưa hấu. Ảnh: Minh Sáng.

Vườn dưa hấu trên đảo Đá Tây A hiện đang trồng giống dưa dài có hạt và dưa tròn không hạt trong khoảng đất chưa đến 250m2. Với khoảng 200 dây, nhưng chúng tôi đếm có đến gần 300 quả dưa hấu, toàn những trái dưa tròn to đang chờ thu hoạch. Việc trồng được dưa hấu trên hòn đảo mang khí hậu đặc trưng của quần đảo Trường Sa này được xem là một kỳ tích mà chàng thuỷ thủ gốc nông dân Trần Minh Đạt cùng đơn vị đã nỗ lực tăng gia sản xuất nhằm cải thiện đời sống sinh hoạt trên đảo.

Dưa hấu "bén duyên" nơi đảo xa

Theo đoàn công tác ra quần đảo Trường Sa, chúng tôi cảm nhận rõ không chỉ qua rồi cảnh quân và dân khát nước ngọt, thèm rau xanh, mà đến nay nhiều đảo cũng không còn lo lắng chuyện thiếu nước ngọt để sinh hoạt và tưới cây nữa. Bởi ngoài việc tận dụng nước mưa, nước thu lại từ sinh hoạt thì trên nhiều đảo nổi, đảo chìm còn được tăng cường thêm máy lọc nước biển.

Tận mắt nhìn thấy vườn dưa hấu “khủng” trên đảo Đá Tây A khiến nhiều đại biểu trong đoàn công tác rất ngạc nhiên và thán phục.

Phóng viên Báo Nông Nghiệp Việt Nam với những trái dưa hấu 'Mai An Tiêm' vừa thu hoạch trên đảo Đá Tây A. Ảnh: Ngô Xuân Chinh. 

Phóng viên Báo Nông Nghiệp Việt Nam với những trái dưa hấu "Mai An Tiêm" vừa thu hoạch trên đảo Đá Tây A. Ảnh: Ngô Xuân Chinh. 

Chị Phạm Thùy Dương, đại biểu của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam hào hứng bộc bạch: Khi bước chân lên đảo Đá Tây A, chị thật sự ngạc nhiên trước một màu xanh bao phủ với rất nhiều loại cây, nhìn như một “thành phố” thu nhỏ giữa biển đảo quê hương vậy. Đặc biệt, còn được thưởng thức những miếng dưa hấu đỏ mọng ngọt lịm trên đảo thế này khiến chị càng ngỡ ngàng, cứ nghĩ “dưa hấu Mai An Tiêm” chỉ có trong truyền thuyết, cổ tích chứ đâu ngờ có ngay trên đảo như thế này.

Theo Trung tá Lê Hữu Phước, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây, việc tiếp nhận hạt giống và chuyển giao kỹ thuật trồng dưa hấu từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (Bộ NN-PTNT) đã giúp quân và dân trên đảo phát triển được vườn dưa cho quả to và ngọt không khác gì so với dưa hấu ở đất liền.

“Mỗi khi có đoàn khách từ đất liền thăm đảo, anh em Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây lại hào hứng ra vườn hái dưa mời khách, đồng thời còn gửi tặng đoàn khách đưa về đất liền để làm quà”, Trung tá Lê Hữu Phước chia sẻ. 

Khách trong đoàn công tác không khỏi ngỡ ngàng trước những quả dưa hấu to, đỏ mọng, ngọt lịm trên đảo Đá Tây A. Ảnh: Minh Sáng. 

Khách trong đoàn công tác không khỏi ngỡ ngàng trước những quả dưa hấu to, đỏ mọng, ngọt lịm trên đảo Đá Tây A. Ảnh: Minh Sáng. 

Từ năm 2019, tại đảo Đá Tây A đã được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam nghiên cứu và cải tạo nền cát san hô bị nhiễm mặn nhằm phát triển sản xuất rau và một số loại cây trồng phù hợp để phủ xanh đảo, đồng thời cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ.

Ông Ngô Xuân Chinh (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam), người trực tiếp chuyển giao các loại hạt giống, cây, con giống và kỹ thuật ra các đảo thuộc quần đảo Trường Sa khẳng định: “Dưa hấu trồng trên đảo Đá Tây rất phù hợp nên ngay năm đầu chúng tôi đã chuyển giao kỹ thuật và cung cấp hạt giống để đơn vị triển khai trồng trên diện tích 3.000m2. Chúng tôi đánh giá giống dưa này được trồng trên đảo cho chất lượng ngọt hơn so với trong trong bờ do có cường độ nắng rất cao và nguồn nước khan hiếm hơn nên càng tạo cho trái dưa ngọt hơn”.

Việc tiếp nhận hạt giống và chuyển giao kỹ thuật trồng dưa hấu từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (Bộ NN-PTNT) đã giúp quân và dân trên đảo chăm sóc và phát triển vườn dưa cho quả to, thậm chí ngọt hơn so với dưa hấu ở đất liền. Ảnh: Ngô Xuân Chinh.

Việc tiếp nhận hạt giống và chuyển giao kỹ thuật trồng dưa hấu từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (Bộ NN-PTNT) đã giúp quân và dân trên đảo chăm sóc và phát triển vườn dưa cho quả to, thậm chí ngọt hơn so với dưa hấu ở đất liền. Ảnh: Ngô Xuân Chinh.

Theo ông Chinh, phương pháp trồng dưa trên đảo cũng rất riêng biệt. Cán bộ, chiến sĩ được hướng dẫn khoanh vùng để trồng và phối trộn giá thể, gồm 50% cát san hô, 20% xơ dừa, 30% phân bón cùng giá thể nguyên khối được mang từ đất liền ra. Thậm chí sau này, các cây giống rau, dưa còn ươm sẵn được hai lá mầm trong đất liền rồi mới chuyển theo tàu ra đảo, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật cho bộ đội trồng hiệu quả. Đặc biệt, khâu chăm sóc dưa hàng ngày, quá trình tưới nước và chắn gió là khâu rất quan trọng có tính quyết định giúp dưa cho thu hoạch đạt chất lượng và năng suất cao.

“Trong chuyến ra đảo lần này, chúng tôi vừa kiểm tra vừa đánh giá lại giống dưa hấu Mai An Tiêm trồng trên đảo Đá Tây A và cho thấy khá phù hợp với điều kiện canh tác trên đảo. Do việc trồng dưa ngoài đảo ít bị sâu bệnh hại hơn trong đất liền nên cây sinh trưởng phát triển tốt, có những trái đạt tới 18kg, giữ được chất lượng cũng như không bị nứt trái. Cũng giống dưa này trồng trong đất liền thì chỉ đạt từ 8 đến 9kg/trái, hoặc cùng lắm 12kg”, ông Ngô Xuân Chinh cho biết.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.