Gian nan hành trình đưa công nghệ trồng rau ra đảo
Người có hơn chục lần "cưỡi sóng" ra quần đảo Trường Sa là Thạc sĩ Ngô Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao Tiến bộ Kỹ thuật Nông nghiệp (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam - IAS, Bộ NN-PTNT), đơn vị trực tiếp chuyển giao các mô hình trồng rau công nghệ cao và phủ cây xanh trên các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa trong nhiều năm qua.
Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với đảo xa, ông Chinh cho biết năm 2005, IAS phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga xây dựng và thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình và kỹ thuật trồng rau năng suất cao cho quần đảo Trường Sa” với thời gian 22 tháng (từ tháng 11/2006 đến tháng 8/2008). Từ năm 2019 đến 2021, IAS cũng đã triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình phát triển một số cây trồng vật nuôi và cây phủ xanh tại quần đảo Trường Sa”.
Khi nhận nhiệm vụ thực hiện dự án, ông Chinh đã có nhiều chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa để khảo sát, nghiên cứu về điều kiện đất đai, khí hậu nhằm đưa cây, con giống phù hợp ra đảo và chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng cho cán bộ, chiến sĩ hải quân. Do đó, đã tạo cơ duyên giúp ông gắn bó với biển đảo Trường Sa suốt nhiều năm qua.
Ra các đảo ở quần đảo Trường Sa bây giờ, ai cũng rất ngạc nhiên vì các đảo đều được phủ cây xanh, các loại rau thậm chí còn tốt, năng suất, chất lượng cao hơn cả trong đất liền. "Bí kíp" nào đã giúp tạo ra thành quả này, thưa ông?
Khi chương trình phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga kết thúc, đề tài đã được Bộ NN-PTNT giao IAS phụ trách toàn bộ chương trình nhằm hỗ trợ bộ đội quần đảo Trường Sa việc trồng trọt và chăn nuôi. Trên cở sở đó, chúng tôi đã tiếp tục thực hiện Dự án “Sản xuất thử nghiệm một số giống cây trồng vật nuôi ở quần đảo Trường Sa" và Dự án Khuyến nông trung ương “Xây dựng mô hình phát triển một số cây trồng vật nuôi và cây phủ xanh tại quần đảo Trường Sa”.
Chúng tôi đã xây dựng thành công nhà màng, nhà lưới trồng rau trong điều kiện biển đảo và 2 loại khay trồng rau, đồng thời hướng dẫn bộ đội trồng rau trong nhà lưới, dùng giá thể thay cho đất với hệ thống tưới tiết kiệm.
Các dự án đã tác động tích cực đến hoạt động nuôi trồng trong hệ thống quần đảo Trường Sa, giúp cung cấp thực phẩm, rau xanh, góp phần cải thiện các bữa ăn cho chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Ngoài ra, chúng tôi còn đưa bò ra đảo Song Tử Tây, đưa vịt biển và gà ra nuôi tại các điểm đảo, hàng năm cử cán bộ thú y ra tiêm phòng cho tất cả vật nuôi trên quần đảo Trường Sa.
Thành quả chính là rau cải xanh, cải ngọt, mồng tơi, rau muống, rau dền, mướp, bầu bí hiện đang phát triển tốt trên quần đảo Trường Sa. Nếu như năng suất rau xanh ngày trước chỉ từ 1 - 2kg/m2/vụ thì giờ đã đạt được từ 3 - 4kg/m2/vụ trồng 2 tháng. Đặc biệt đối với những đảo chìm, trước kia bộ đội chủ yếu dùng khay gỗ để trồng rau, nhưng đến nay chúng tôi đã nghiên cứu ra vật liệu thay thế là composite để chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chống lại các yếu tố như nắng, gió, nước mặn. Chúng tôi cũng hướng dẫn các chiến sĩ sử dụng các tấm composite và phía trên lợp một lớp lưới thay cho việc dùng các lồng chụp bằng inox trước đây, giúp tận dụng được nước mưa tốt hơn.
Trong quá trình chuyển giao các mô hình dự án ra đảo xa, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Viện đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
Phải nói rằng, thuận lợi nhất khi được sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ NN-PTNT). Đồng thời, chúng tôi nhận được sự đồng thuận của Bộ tư lệnh Hải quân, Vùng 4 Hải quân và Lữ đoàn 146 Hải quân là đơn vị trực tiếp đóng quân, quản lý trên quần đảo…
Nhờ vậy, việc triển khai thực hiện các dự án ra quần đảo Trường Sa đã được các đơn vị tạo mọi điều kiện, hỗ trợ vận chuyển và bốc dỡ vật tư. Tuy nhiên, trong 3 năm thực hiện có 2 năm vướng đại dịch Covid-19 nên công tác triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Môi trường thực hiện dự án khắc nghiệt, sóng to, gió lớn khiến quá trình vận chuyển từng bao đất, giá thể phân bón và vật tư xây dựng từ đất liền ra đảo lênh đênh nhiều ngày mới cập bến. Khó khăn nhất là khi thi công các nhà màng, nhà lưới để trồng rau trên đảo, phải đối mặt với mưa lốc biển khiến mọi thứ chao đảo như cánh diều trước bão gió.
Thưa ông, tại sao trong nhiều điểm đảo, IAS chọn Trường Sa Lớn là điểm đầu tiên để triển khai dự án?
Trường Sa Lớn là đảo nổi tự nhiên, được mệnh danh là “thủ đô” của quần đảo Trường Sa, đây cũng là điểm chúng tôi khảo sát thử nghiệm đầu tiên. Trường Sa Lớn có điều kiện khí hậu và không gian làm mô hình thử nghiệm tương đối thuận lợi.
Năm 2005, chúng tôi đã làm những mô hình nhà màng mini mang ra đảo để thử nghiệm, đồng thời cử nhóm cán bộ ra theo dõi các điều kiện thời tiết và đánh giá khả năng chống chịu của các vật liệu xây dựng, đặc biệt là các giá thể phân bón, hạt giống xem có phù hợp hay không? Từ kết quả trên đảo Trường Sa Lớn, chúng tôi đã nhân rộng mô hình ra tất cả các điểm đảo khác trên quần đảo.
"Từ năm 2023, IAS tiếp tục được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cấp kinh phí thực hiện dự án phủ xanh trên đảo Nam Yết, Sơn Ca và một số đảo khác để đến năm 2030 đảm bảo sẽ phủ xanh được toàn bộ quần đảo Trường Sa và cải thiện môi trường trên đảo.
Đến nay, chúng tôi đã đưa ra quần đảo được khoảng 200.000 cây xanh các loại, trong đó chủ lực là phi lao để trồng phủ xanh cho các đảo. Một số đảo cây xanh đã che phủ hoàn toàn 100% diện tích và đang sinh trưởng phát triển tốt như trồng ở đất liền", ông Ngô Xuân Chinh cho biết.
Đến năm 2030 sẽ phủ xanh toàn bộ quần đảo Trường Sa
Nhằm tăng cường phủ xanh trên quần đảo Trường Sa, ông và nhóm cán bộ kỹ thuật của IAS đã đưa cây xanh ra trồng trên các đảo như thế nào, nhất là khi gặp sóng gió, thời tiết khắc nghiệt?
Ngay từ khi bắt đầu thực hiện dự án Trường Sa, chúng tôi đã nghĩ ngay đến việc phải phủ xanh tất cả các điểm đảo để cải thiện môi trường, giúp tích tụ được nguồn nước ngọt tại chỗ để phục vụ tăng gia sản xuất rau xanh.
Chúng tôi đã thử nghiệm rất nhiều loại cây để chọn giống nào phù hợp với điều kiện biển đảo cực kỳ khắc nghiệt, đã di thực ra các đảo và đánh giá được một số chủng loại cây phù hợp như dáng hương, lim xẹt, cây me tây và cây ăn quả như chuối, đu đủ, mận. Đặc biệt, cây dừa hiện nay đang được trồng rất nhiều trên đảo Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, Song Tử Tây và đảo Đá Tây nhằm phủ xanh và tạo độ che phủ cho đất canh tác.
Từ năm 2019, dự án bắt đầu triển khai hỗ trợ cải tạo cát san hô để phủ xanh cho đảo Đá Tây. Thời gian đầu, trên đảo toàn cát san hô nhiễm mặn phủ trắng như sa mạc, không có bất cứ một cây trồng nào. Vì vậy, chúng tôi phải nghiên cứu các giải pháp đưa hạt giữ ẩm để ngậm nước trong mùa mưa, các hạt này ngậm nước bên trong lên 100 lần, đến mùa khô giúp cây trồng có thể lấy nguồn nước từ đó. Đồng thời hướng dẫn các đảo áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để trồng rau và cây xanh.
Suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ phủ xanh cho quần đảo Trường Sa, ông có kỉ niệm nào đáng nhớ nhất?
Với tôi kỉ niệm đáng nhớ nhất là năm 2020 xuất hiện cơn bão lớn nhất trong lịch sử đi vào biển Đông tàn phá toàn bộ hệ thống cây cối trên đảo Song Tử Tây, là đảo đầu tiên của cực Bắc.
27 Tết, khi vừa nhận được thông tin từ Lữ đoàn trưởng 146 Ngô Đình Xuyên cấp báo thì mùng 4 Tết chúng tôi đã phối hợp ngay với đơn vị vận chuyển 10.000 cây phi lao ra đảo trồng tạo thành một vành đai xung quanh chắn gió. Số cây bị đổ ngã chúng tôi hướng dẫn cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo cưa, dựng gốc đúng cách, rồi cung cấp thuốc bảo vệ thực vật quét lên các vết cắt để cây không bị nhiễm nấm bệnh, giảm thiểu ảnh hưởng đến bộ rễ, đồng thời gửi 1.000 lít chế phẩm vi sinh để xử lý phun lên thân cây và tưới phủ gốc giúp tái tạo bộ rễ cây rất nhanh.
Do quá trình gió bão, sóng biển đánh vào đảo khiến cây bị nhiễm mặn nên chúng tôi động viên anh em trên đảo tận dụng nguồn nước mưa sau bão chủ động rửa mặn và đưa hàm lượng dinh dưỡng đủ vi chất vào giúp cây phục hồi, sinh trưởng phát triển. Sau 4 tháng, chúng tôi tiếp tục ra đảo thì rất vui mừng chứng kiến gần như 100% cây xanh đã phát triển trở lại, chỉ bị chết 4 cây.
"Mới đây, trong chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa, chúng tôi đã nhận được chỉ thị của Chuẩn đô đốc Phạm Như Xuân, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân đề nghị IAS tiếp tục đưa cây phi lao ra các đảo để trồng tại các khu vực bãi cát, tạo thành một vành đai xanh chắn gió và chắn cường độ sóng biển đánh vào khu vực đảo.
Do đó, chúng tôi đang chuẩn bị khoảng 30.000 cây phi lao các loại và vận động thêm các tổ chức, địa phương hỗ trợ cây xanh. Dự kiến trong đầu tháng 6 này, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển ra trồng tại các đảo trên quần đảo Trường Sa nhằm tạo môi trường cảnh quan sinh thái và phục vụ tốt công tác bảo vệ quần đảo Trường Sa".
(Ông Ngô Xuân Chinh)
Xin cảm ơn ông!