Chương trình cải tạo đàn bò được Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình triển khai liên tục từ năm 1995 đến nay, nhờ đó mà tầm vóc giống vật nuôi ngày càng cải thiện.
Trước đây, gia đình ông Nguyễn Tiến Dũng, xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình chủ yếu nuôi giống bò vàng bản địa hay người dân vẫn quen gọi là bò dé, có tầm vóc nhỏ bé. Bê con sinh ra chỉ đạt trọng lượng 25kg, khi trưởng thành bò đực có khối lượng trung bình 250-280 kg, bò cái 160-200 kg, tỷ lệ thịt xẻ thấp. Từ khi, được Trung tâm khuyến nông tỉnh Ninh Bình hỗ trợ con đực giống nhóm zebu để lai tạo với đàn bò vàng, thế hệ con lai ra đời đã có tầm vóc và trọng lượng cao hơn rất nhiều, phàm ăn hơn và sức đề kháng cao hơn.
Ông NGUYỄN TIẾN DŨNG - Xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình
Nuôi dòng dé lên dòng lai thì tôi thấy khác biệt từ lúc sinh con. Bò dé sinh con cỡ 25kg còn dòng lai cỡ 30-35kg. Ngay cả từ ăn uống nó cũng khác, dòng lai phàm ăn hơn còn dòng dé khảnh ăn hơn.
Việc cải tạo được tầm vóc đàn bò đã giúp gia đình ông Dũng thuận lợi hơn trong việc tăng quy mô đàn và gia tăng đáng kể lợi nhuận. Với sức vóc mới, đàn bò thịt phát triển rất nhanh, rút ngắn thời gian xẻ thịt so với bò vàng trước đây khoảng 3 tháng. Hiện, gia đình đang tự xẻ thịt và bán với giá 230.000 đồng/kg, trừ đi các chi phí có lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông NGUYỄN TIẾN DŨNG - Xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình
Dòng lai tạo giống này được lợi là ra con rút ngắn ngày hơn sau khi mình bán. Trước đây 1 năm chỉ bán được 1 con nhưng giờ thì 6, 7 tháng là bán được con. Trọng lượng so với trước thì tăng cỡ 20-30kg/con sau 6 tháng. Về đồng tiền thì nó vênh nhau vài ba triệu/con cho nên tôi chọn giống này.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình, địa phương này hiện có tổng đàn bò khoảng 37.000 con. Thời gian qua, Chương trình “Cải tạo đàn bò” đã được triển khai rất hiệu quả và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Ông TRẦN VĂN LUẬN - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình
Hiện tại, tỷ lệ bò đã được zebu hóa trên 80% và tầm vóc của bò khi trưởng thành nâng cao rõ rệt khoảng 15-20% so với giai đoạn trước.
Thời gian tới, Ninh Bình xác định trâu bò là đối tượng con nuôi chủ lực, được tập trung phát triển ở tiểu vùng đồi núi bán sơn địa, thuộc các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư và thành phố Tam Điệp. Mặt khác, HĐND tỉnh Ninh Bình cũng đã ban hành Nghị quyết về việc Quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025. Theo Nghị quyết này, sản xuất trâu bò sẽ được hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/con giống.