| Hotline: 0983.970.780

Cải tạo đàn bò, dấu ấn xuyên thế kỷ của Khuyến nông Quảng Trị

Thứ Hai 04/12/2023 , 14:38 (GMT+7)

Được khởi động từ năm 1995, chương trình cải tạo đàn bò ở Quảng Trị được duy trì tới hôm nay và đã để lại những những dấu ấn lớn trong lòng người dân.

Thành công từ đội ngũ dẫn tinh viên

Chương trình cải tạo đàn bò tỉnh Quảng Trị bắt đầu từ tháng 9 năm 1995 bằng nguồn vốn của hiệp định tín dụng Credit 2561-VN giữa Chính phủ Việt Nam, Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) và Ngân hàng Thế giới (WB) về phục hồi nông nghiệp từ năm 1995 đến năm 1998 và được tiếp tục bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia, Cục Chăn nuôi (dự án giống bò thịt TW) từ năm 1999 cho đến nay.

Mô hình nuôi bò lai thâm canh ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Ảnh: Việt Toàn.

Mô hình nuôi bò lai thâm canh ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Ảnh: Việt Toàn.

Sau gần 30 năm thực hiện, chương trình đã thu được những kết quả, hiệu quả cao và thiết thực. Hiện tổng đàn bò của tỉnh Quảng Trị có hơn 55.650 con, tỷ lệ bò lai Zebu tính đến cuối năm 2022 đạt gần 70% tổng đàn. Để đạt được kết quả trên, nhiều năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, vừa tập huấn thông tin tuyên truyền, vừa đào tạo đội ngũ dẫn tinh viên, xây dựng các mô hình diễn để chương trình ngày càng lan tỏa. Người dân đã thấy rõ hiệu quả của chương trình cải tạo đàn bò nên hưởng ứng tích cực, nhiều địa phương có tỷ lệ đàn bò lai trên 90% như huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong...

Trong những năm đầu triển khai, chương trình cải tạo đàn bò áp dụng phương pháp nhảy trực tiếp. Đến năm 2002, chương trình đã nâng cao lên một bước bằng việc áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị lựa chọn và sử dụng tinh đực giống nhóm Zebu (ưu tiên sử dụng giống Red Bramand) nuôi thuần tại Việt Nam, phù hợp với điều kiện môi trường và khả năng đầu tư thâm canh tại địa phương.

Việc thực hiện chương trình được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, quá trình thực hiện có sự theo dõi chỉ đạo của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, chính quyền địa phương. Các yếu tố kỹ thuật được tổ chức thực hiện và triển khai đầy đủ, hợp lý và đúng tiến độ. Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã chỉ đạo khoanh vùng để thiến đực cóc nhằm tránh tình trạng giao phối cận huyết, tầm vóc nhỏ.

Trong suốt thời gian triển khai chương trình, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã tổ chức rất nhiều hoạt động liên quan, từ thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn đến hướng dẫn chỉ đạo triển khai thực hiện. 

Đàn bò lai của anh lê Văn Hoàn ở thôn Lai Bình, xã Vĩnh Chấp (huyện Vĩnh Linh). Ảnh: Việt Toàn.

Đàn bò lai của anh lê Văn Hoàn ở thôn Lai Bình, xã Vĩnh Chấp (huyện Vĩnh Linh). Ảnh: Việt Toàn.

Thời gian qua, thông qua việc gửi đi đào tạo và đào tạo tại địa phương, số lượng dẫn tinh viên của Quảng Trị hiện có 32 người và đang duy trì tốt ở 5 huyện (Cam Lộ, Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh và Vĩnh Linh). Sau khi được đào tạo, Trung tâm Khuyên nông tỉnh hết sức quan tâm, tạo điều kiện và nỗ lực để thiết lập mạng lưới dẫn tinh viên cơ sở vì đây là yếu tố quan trọng quyết định kết quả, hiệu quả của chương trình.

Mạng lưới dẫn tinh viên được thành lập và hoạt động dưới sự điều hành của trạm khuyến nông huyện nên các hoạt động được thực hiện nhịp nhàng, có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho người dân.

Chị Nguyễn Thị Hường, dẫn tinh viên xã Kim Thạch (huyện Vĩnh Linh) cho biết, đội ngũ dẫn tinh viên đã chủ động thành lập câu lạc bộ dẫn tinh viên để hỗ trợ, chia sẽ kinh nghiệm cho nhau trong quá trình phối giống, do vậy kết quả phối giống luôn đạt kết quả cao.

Hiệu quả tăng gấp đôi nhờ bò lai

Thực hiện chương trình cải tạo đàn bò, hàng năm, tỷ lệ phối giống bằng phương pháp nhân tạo đạt 100%. Theo thống kê, từ năm 1995 đến năm 2013, Quảng Trị đã phối giống được 55.000 con bò cái và đến năm 2022 đã phối giống được trên 143.500 con có chửa. Tỷ lệ đàn bò lai của tỉnh năm 2013 chỉ đạt khoảng 30%, đến cuối năm 2022 đã đạt gần 70%. Kết quả cũng cho thấy tỷ lệ phối giống năm sau luôn cao hơn năm trước, đồng thời chất lượng đàn bò của tỉnh ngày càng được nâng cao.

Bê con 2 tháng tuồi được sinh ra từ chương trình cải tạo đàn bò ở huyện Hải Lăng. Ảnh: Việt Toàn.

Bê con 2 tháng tuồi được sinh ra từ chương trình cải tạo đàn bò ở huyện Hải Lăng. Ảnh: Việt Toàn.

Trong quá trình thực hiện, để đẩy nhanh tiến độ, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Chăn nuôi và ngân sách của Tỉnh, đã hỗ trợ cho nông dân các loại vật tư như tinh bò đông lạnh, ni tơ; một số chương trình khác đã hỗ trợ thêm công phối giống và thức ăn cho bò mẹ mang thai.

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã cử cán bộ là kỹ sư chăn nuôi - thú y có kinh nghiệm trực tiếp theo dõi, chỉ đạo quá trình thực hiện và chỉ đạo đội ngũ khuyến nông viên cơ sở, dẫn tinh viên nắm bắt thông tin, hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi.

Kỹ sư Trần Lương, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Hải Lăng cho biết, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, để thực hiện chương trình bền vững, Khuyến nông Quảng Trị đã xây dựng định mức hỗ trợ vật tư theo hướng giảm dần từ 2 liều tinh, 2 lít ni tơ và 2 bộ dụng cụ thụ tinh nhân tạo/1 bò cái có chửa (đến năm 2011) sau đó giảm dần xuống còn 1,8 liều tinh, 1,8 lít ni tơ và 1,8 bộ dụng cụ thụ tinh nhân tạo/1 bò cái có chửa (năm 2013) và 1,6 liều tinh, 1,6 lít ni tơ và 1,6 bộ dụng cụ thụ tinh nhân tạo/1 bò cái có chửa (đến năm 2022).

Nhờ thực hiện tốt chương trình cải tạo đàn bò, tỷ lệ đàn bò lai tăng lên từng năm, chất lượng đàn bò ngày càng được nâng cao. Bê lai sinh ra ngoại hình đẹp, trọng lượng sơ sinh từ 20 - 25kg, bê khỏe mạnh, thích nghi tốt với môi trường sống, sinh trưởng phát triển nhanh, tốc độ tăng trọng của bê trung bình từ 20 - 22kg. Bê dễ nuôi, lớn nhanh, nuôi đến 12 tháng tuổi đạt từ 230 - 250kg, giá bán khoảng 21 - 25 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần so với giống bò bản địa. Uớc tính mỗi năm, Quảng Trị có trên 5.000 bê lai Zebu ra đời từ chương trình cải tạo đàn bò, mang lại nguồn thu gần 115 tỉ đồng.

Các mô hình cải tạo, thâm canh đàn bò do Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị triển khai đã để lại những dấu ấn lớn trong lòng nông dân. Ảnh: Việt Toàn.

Các mô hình cải tạo, thâm canh đàn bò do Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị triển khai đã để lại những dấu ấn lớn trong lòng nông dân. Ảnh: Việt Toàn.

Qua nhiều năm thực hiện, người dân cho rằng đây là chương trình thực hiện rất thiết thực, có hiệu quả cao. Anh Hoàng Tấn Đạt (khóm 1, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng) - một hộ chăn nuôi bò thành công cho biết: Nhờ áp dụng thụ tinh nhân tạo, đàn bò lai của gia đình anh có tầm vóc, thể trọng và tăng trọng cao hơn nhiều so với bò vàng địa phương; tỷ lệ thịt xẻ cao, giá bán cao hơn so với bò vàng địa phương từ 10 - 12 triệu đồng/con. Từ hoạt động chăn nuôi bò, gia đình anh có thu ổn định 120 triệu đồng/năm.

Đột phá với bò lai cao sản hướng thịt

Ông Trần Đình Quốc Lĩnh - Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Gio Linh cho hay, chương trình cải tạo đàn bò của Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị triển khai trong những năm qua đã thể hiện tính ưu việt và là hướng đi đúng đắn trong công tác giống, thay thế đàn nái bò vàng Việt Nam bằng bò nái lai Zebu đạt tiêu chuẩn, chất lượng tốt. Dựa trên nền bò lai Zebu, đã làm tiền đề để tiếp tục lai tạo các giống bò cao sản hướng thịt có năng suất, chất lượng tốt, hướng tới chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt tập trung theo quy mô trang trại.

Bê lai sinh ra từ giống bò chuyên thịt có nhiều điểm nổi trội hơn, trọng lượng sơ sinh từ 28 - 32kg/con, ưu thế lai vượt trội về ngoại hình, sức sản suất, tốc độ sinh trưởng. Khối lượng bê lai hướng thịt cao hơn 28 - 35% so với bê lai nhóm Zebu. Trọng lượng lúc 12 tháng tuổi đạt 270 - 300kg, giá bán từ 25 - 30 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 lần so với bò lai Zebu.

Từ những đàn bò vàng bản địa năng suất thấp, hiện đàn bò của Quảng Trị đã được cải tạo cao lớn, cho năng suất, chất lượng cao, giúp nông dân có thu nhập tốt. Ảnh: Việt Toàn.

Từ những đàn bò vàng bản địa năng suất thấp, hiện đàn bò của Quảng Trị đã được cải tạo cao lớn, cho năng suất, chất lượng cao, giúp nông dân có thu nhập tốt. Ảnh: Việt Toàn.

Thông qua chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt cho thấy nhu cầu chăn nuôi bò chất lượng cao của người dân ngày càng tăng. Mỗi năm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có khoảng hơn 3.000 bê lai ra đời từ chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt, ước tính nguồn thu khoảng 83 tỷ đồng.

Gia đình anh Lê Văn Hoàn thôn Lai Bình, xã Vĩnh Chấp (huyện Vĩnh Linh) gắn bó với nghề chăn nuôi bò đã nhiều năm nay. Năm 2021, lần đầu tiên gia đình anh thực hiện phối giống bằng tinh bò 3B - một trong các giống bò nhóm chuyên thịt chất lượng cao. Bê lai F1 được sinh ra trên nền bò cái lai Zebu với tinh bò 3B nhập ngoại. Quá trình nuôi, anh Hoàn cho biết đây là giống bò thịt lớn nhanh, cơ bắp phát triển, nổi rõ nhất là phần cơ mông, ngoại hình đẹp, tỷ lệ thịt xẻ cao xấp xỉ 70%, thịt thơm ngon, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Từ kết quả của chương trình cải tạo đàn bò, nhiều hộ nông dân tại Quảng Trị đã phát triển mô hình chăn nuôi bò thịt thâm canh, vỗ béo an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh, mở ra hướng đi mới về chăn nuôi bò tập trung theo quy mô trang trại an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường theo hướng bền vững.

Xem thêm
Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...