Dù đang vào đợt cao điểm thu hoạch vụ lúa Xuân 2022 nhưng nông dân huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh không hào hứng vì vụ lúa thất thu do nhiễm đạo ôn cổ bông, giảm năng suất.
Mặc dù đang vào những ngày cao điểm thu hoạch vụ lúa Xuân 2022 nhưng trên khuôn mặt nông dân huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh hiện rõ vẻ chán chường, thất vọng vì một mùa vụ thất thu. Bà con ngán ngẩm vì làm nông mà thiếu gạo ăn, lúa mới sản xuất ra bán không ai mua.
Ánh nắng chói chang chiều tháng 5 chiếu xuống cánh đồng lúa trắng xóa của thôn Đông Sơn, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Nếu nhìn lướt qua, nhiều người nhầm tưởng năm nay bà con được mùa song đến tận ruộng mới thấy rõ bao mồ hôi công sức nông dân đổ ra trở thành công cốc. Toàn bộ diện tích 35 ha của thôn Đông Sơn gieo cấy giống lúa TH8, do Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang cung ứng và ADI 168, do Công ty CP Đầu tư Thương mại & Phát triển nông nghiệp ADI cung ứng đều mất trắng.
Gia đình anh Phạm Văn Hùng, thôn Đông Sơn đang thuê máy thu hoạch 1 mẫu ruộng gieo cấy giống lúa ADI 168, với mục đích vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị cho vụ sản xuất hè thu. Năm nay mặc dù tổ chức phun phòng bệnh đạo ôn 2 lần theo khuyến cáo của thôn, xã nhưng cuối vụ, mỗi sào lúa của gia đình anh chỉ thu được từ 70 – 80kg. Nếu bán cũng không đủ chi phí trả tiền thuê máy gặt, mà có bán cũng không thương lái nào mua.
Phỏng vấn: Anh Phạm Văn Hùng, thôn Đông Sơn, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà: Toàn bộ anh làm ADI 168, so với năm ngoái được gần 2 tấn mà giờ được 8 – 9 tạ lúa thôi.
Cùng chung cảnh thất thu như anh Hùng, Gia đình bà Hoàng Thị Thanh có 4 sào giống lúa J02, do Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh cung ứng bị giảm năng suất hơn 50%.
PV bà Hoàng Thị Thanh, thôn Phúc Điền, xã Nam Điền, huyện Thạch Hà:
Trước khi chuyển đổi cánh đồng mẫu dân đồng thuận với nhà nước làm thế nào đưa giống về hợp với chất đất, để có thu hoạch nhưng 2 mùa đưa về, 1 lần đưa giống ADI 168 về mất trắng dừ đem về J02 về cũng mất nên bà con cảm thấy không được hài lòng.
PV chị Nguyễn Thị Hà, thôn Phúc Điền, xã Nam Điền, huyện Thạch Hà:
Nhiều diện tích gieo xong bị chết, đi xin mạ khác về cấy, những khu vực xin mạ về cấy thì năng suất cao, còn giống J02 xóm đưa về hầu như mất 70%, bông ngắn. Khi mới bị đạo ôn trên chỉ đạo phun thì đi phun nhưng đạo ôn ăn nhanh quá nên không được nữa.
Vụ Xuân năm nay, toàn thôn Phúc Điền sản xuất hơn 22ha lúa, cơ cấu 5 bộ giống gồm: J02, Bắc Thơm, Bắc Thịnh, Khang Dân và nếp. Do lúa trổ đúng thời điểm mưa rét, sâu bệnh gây hại diện rộng nên năng suất thu hoạch bình quân ước chỉ đạt 1,7 – 1,8 tạ/sào. Trong đó, 13,5 ha sản xuất cánh đồng lớn giống J02 thiệt hại nặng nhất (ước đạt khoảng 1,2 – 1,3 tạ/sào), cá biệt, một số hộ mất trắng, không có thu hoạch.
Theo ông Trần Văn Trọng, trưởng thôn Phúc Điền, thời gian qua huyện Thạch Hà, xã Nam Điền đưa giống lúa mới vào sản xuất trên cánh đồng lớn của thôn chưa phù hợp. Từ giống ADI 168 sản xuất vụ Xuân 2021 cho tới J02 gieo cấy vụ Xuân 2022 đều mẫn cảm với bệnh đạo ôn, chống chịu sâu bệnh kém và năng suất hạn chế.
Có thể nói, tình trạng mất mùa, giảm năng suất từ chính sách hỗ trợ giống lúa mới tại huyện Thạch Hà không phải lần đầu tiên xảy ra. Điều này đặt ra một dấu hỏi về năng lực lựa chọn bộ giống chủ lực đưa vào cơ cấu của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn (cụ thể là Sở NN-PTNT, Phòng Nông nghiệp cấp huyện) liệu đã sát sao?.
Nếu ngành chuyên môn và chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh vẫn tiếp tục cơ cấu ồ ạt các giống lúa mới, mẫn cảm đạo ôn như ADI 168, TH8, J02, Thái Xuyên 111… vào sản xuất, chắc chắn tình trạng mất mùa lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khó tránh khỏi.