Để thực hiện thành công đề án nuôi biển, Bộ NN-PTNT thống nhất hành động trong 3 trục gồm Chính phủ, doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt ưu tiên phát triển nuôi biển công nghiệp.
Nuôi biển công nghiệp, giải pháp nâng cao nuôi trồng thuỷ sản bền vững
Nam Trung bộ có điều kiện tự nhiên và môi trường khá thuận lợi để phát triển nuôi biển, đặc biệt là nuôi biển công nghiệp với quy mô hàng hóa lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển ở các địa phương này còn nhiều hạn chế và thiếu đồng bộ. Hiện nay, người dân vẫn chủ yếu sử dụng các vật liệu truyền thống như tre, gỗ, xốp làm lồng, bè nuôi nên dễ bị ảnh hưởng bởi mưa bão, sóng biển. Khảo sát tại các tỉnh Nam Trung bộ cho thấy, các địa phương có tiềm năng rất lớn trong phát triển nuôi biển với các loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, việc nuôi biển chỉ phát triển mô hình theo hình thức truyền thống. Tại Tỉnh Ninh Thuận hiện nay, tỉnh này có khoảng 216 bè nổi với 3,5 nghìn lồng nuôi nhưng chủ yếu là khung gỗ, tre, kích thước nhỏ. Do vậy khó phát triển bền vững nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.
Ông DƯ NGỌC TUÂN, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Thuận
Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho cấp có thẩm quyền, ngoài những chính sách của Trung ương thì địa phương có thể xem xét những chính sách nhằm giúp cho người dân chuyển đổi từ nuôi lồng bè thô sơ. Như hiện nay thì người nuôi cần phải nâng cấp, cải tạo lồng bè cho kiên cố hơn để có thể nuôi ổn định, chịu được sóng gió ở vùng biển hở. Để phát triển nuôi biển ổn định, bền vững thì cũng rất cần về khoa học công nghệ rồi đào tạo nguồn nhân lực. Như chúng ta biết, việc nuôi trên biển khác với nuôi trong đất liền, có những cái khó khăn nhất định, do đó về trình độ kỹ thuật, khoa học công nghệ, nhân lực để có thể đáp ứng yêu cầu trong điều kiện nuôi trên biển, đặc biệt nuôi ở vùng biển xa bờ.
Theo Bộ NN-PTNT, nước ta có nhiều vùng vịnh kín, bãi triều ven biển và một phần ở các hải đảo, vùng biển xa bờ phù hợp để phát triển nuôi biển. Tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta hiện khoảng 500 nghìn ha. Đặc biệt tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ có nhiều lợi thế nuôi biển và đã phát triển rất mạnh trong thời gian qua.
Để ngành nuôi biển nói chung và Nam Trung bộ nói riêng đạt hiệu quả, ngành thủy sản cần thực hiện kế hoạch phát triển nuôi biển hiệu quả, bền vững, phù hợp điều kiện thực tế, ưu tiên phát triển nuôi biển công nghiệp. Khuyến khích đầu tư theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt là triển khai các chương trình, dự án trọng điểm để giải quyết các vấn đề cốt lõi, tạo nền tảng để phát triển ngành nuôi biển hiệu quả, bền vững, thân thiện môi trường.
Ông PHÙNG ĐỨC TIẾN, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT
Cái tiềm năng mà như tôi đã nói là diện tích mặt biển trên 1 triệu km2, bờ biển dài 3.260km và vùng biển nước sâu ở nước ta để nuôi xa bờ ngoài 6 hải lý với công nghệ hiện đại như các nước Na Uy, Israel. Với các hệ thống rất đồng bộ từ khâu giống đến khâu thức ăn, lồng nuôi, quy trình công nghệ, thu hoạch, sơ chế, chế biến khép kín và gắn với du lịch. Như Na Uy, chỉ có 49 trang trại nhưng 1 ngày họ cấp 14 triệu suất ăn cá hồi và du lịch theo một chuỗi như đi ngắm biển, xem quy trình nuôi, xem công nghệ nuôi, xem sơ chế chế biến. Như vậy, chỉ có một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nuôi biển mang tính hệ thống công nghệ cao; thứ 2 là phát huy được nguồn lực ở các doanh nghiệp, khai thác mặt nước biển có hiệu quả; thứ nữa là mình huy động được đội ngũ lao động trên biển với trình độ cao để chúng ta có thể có được sản lượng nuôi biển đạt được mục tiêu theo quyết định 1664 đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1664, Phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thực hiện thành công đề án này, Bộ NN-PTNT thống nhất hành động trong 3 trục gồm Chính phủ, doanh nghiệp, người dân. Bộ NN-PTNT yêu cầu Tổng cục Thủy sản tham mưu Bộ triển khai, kiểm tra kết quả thực hiện đề án nuôi biển và thực hiện kế hoạch hiệu quả, bền vững, phù hợp điều kiện thực tế. Đặc biệt ưu tiên phát triển nuôi biển công nghiệp; khuyến khích đầu tư theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trên thế giới. Đây cơ sở để nghề nuôi biển của các tỉnh Nam Trung bộ phát triển mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới.