| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hòa kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nuôi biển quy mô lớn

Thứ Tư 10/08/2022 , 09:30 (GMT+7)

Tỉnh Khánh Hòa kêu gọi doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm lực đầu tư nuôi biển công nghiệp bằng lồng bè hiện đại ở vùng biển hở.

Nuôi biển quy mô công nghiệp trên Vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Nuôi biển quy mô công nghiệp trên Vịnh Vân Phong, Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Khánh Hòa có đường bờ biển dài 385km, với nhiều cửa lạch, đầm, vịnh cùng khoảng 200 đảo lớn, nhỏ ven bờ rất thuận lợi cho việc phát triển nuôi biển.

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, hiện các vùng nuôi lồng bè trên địa bàn tỉnh này chủ yếu gần bờ và ven đảo nằm trong các đầm, vịnh. Ngư dân nuôi biển theo quy trình truyền thống, quy mô nhỏ, hầu hết lồng nuôi làm từ vật liệu gỗ, không chịu được sóng gió lớn. Công nghệ nuôi biển bằng lồng bè còn lạc hậu, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trước tình hình trên, nhằm phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, từ đó, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, tỉnh Khánh Hòa định hướng giảm dần diện tích nuôi ao đìa, lồng bè ven bờ.

Trong đó, ưu tiên cho các hộ sinh sống tại địa phương trực tiếp nuôi trồng thủy sản mà nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nuôi trồng thủy sản hay chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản. Chuyển đổi lồng bè gỗ truyền thống sang lồng HDPE chịu được sóng gió, đảm bảo an toàn và mỹ quan kết hợp với mô hình du lịch biển.

TỉnhKhánh Hòa kêu gọi doanh nghiệp có tiềm lực nuôi biển nông nghiệp. Ảnh: KS.

TỉnhKhánh Hòa kêu gọi doanh nghiệp có tiềm lực nuôi biển nông nghiệp. Ảnh: KS.

Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết, tỉnh sẽ phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản ở vùng biển hở. Trong đó, kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm lực đầu tư nuôi biển công nghiệp bằng lồng bè hiện đại, để tăng nhanh hơn nữa sản lượng nuôi công nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi thương phẩm.

Các vùng nuôi biển hở sẽ ưu tiên đối tượng nuôi cá biển có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, Khánh Hòa sẽ hình thành các Tổ liên kết nuôi trồng thủy sản tiến tới thành lập các Hợp tác xã trong nuôi trồng thủy sản, liên kết với các doanh nghiệp để đầu ra sản phẩm được ổn định.

Để đạt các mục tiêu trên, Sở NN-PTNT Khánh Hòa sẽ triển khai quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản khi Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt. Cùng với đó đầu tư hạ tầng vùng nuôi, thực hiện thả phao tiêu, chia lô phân luồng lạch để vừa tạo mỹ quan vừa đảm bảo sức tải môi trường vùng nuôi.

Tổ chức sắp xếp lại số lượng lồng bè ven bờ, thực hiện giao khu vực biển để người dân yên tâm nuôi biển. Tuyên truyền hướng dẫn người nuôi chuyển đổi lồng bè truyền thống sang lồng HDPE, chịu được sóng gió, đảm bảo an toàn, kết hợp với mô hình du lịch biển.

Sở NN-PTNT cũng sẽ xây dựng Đề án nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa đến năm 2030 sẽ ưu tiên tập trung nghiên cứu, xây dựng tiêu chí, lựa chọn đối tượng và công nghệ nuôi phù hợp với vùng biển ven bờ. Trong đó thực hiện một số mô hình nuôi biển thí điểm làm cơ sở để chuyển đổi.

Đối với vùng nuôi biển mở sẽ thực hiện khảo sát, đánh giá tổng quan đặc trưng môi trường, thủy động lực vị trí nuôi biển mở, từ đó xác định phân vùng vị trí nuôi biển mở. Lựa chọn công nghệ nuôi biển xa bờ phù hợp và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Cùng với đó, Sở NN-PTNT nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp đối với các hộ nuôi trồng thủy sản bị giải tỏa, di dời. Triển khai các chính sách khuyến khích ngư dân, doanh nghiệp đầu tư nuôi công nghệ cao trên khu vực biển do tỉnh quản lý, các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và sản xuất cho nuôi biển.

Tỉnh Khánh Hòa sẽ tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đầu tư chế tạo các thiết bị, phương tiện nuôi biển công nghiệp cũng như sản xuất giống quy mô lớn, thức ăn công nghiệp, doanh nghiệp tổ chức hậu cần dịch vụ nghề nuôi biển công nghiệp theo hướng bền vững.

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, toàn tỉnh có 5 vùng nuôi trên triều chính gồm Vạn Ninh, Cam Lâm, Ninh Hòa, Nha Trang và  Cam Ranh, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản hàng năm trên 4.000ha, sản lượng trên 18.000 tấn. Còn nuôi biển tập trung tại 4 vùng gồm Vạn Ninh, Ninh Hòa, TP Nha Trang và Cam Ranh với đối tượng chính là tôm hùm và cá biển.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.