Thả nuôi cá trong ruộng lúa vào mùa nước nổi trở thành mô hình sinh kế bền vững được bà con nông dân vùng ĐBSCL lựa chọn. Mô hình này nhẹ vốn, ít công chăm sóc, nhưng thu lãi lên đến vài chục triệu đồng một hecta.
Nuôi cá mùa nước nổi, mô hình sinh kế bền vững ở ĐBSCL
Vài năm trở lại đây, thời tiết diễn biến bất thường cộng với giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, sạ lúa vụ 3 lợi nhuận thấp. Thả nuôi cá trong ruộng lúa “ăn theo” mùa nước nổi đã trở thành mô hình sinh kế bền vững được nhiều bà con nông dân vùng ĐBSCL ưu tiên lựa chọn.
Anh Vương Văn Ngân ở ấp Trường Hòa, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cho biết, lợi thế của mô hình này vừa giúp cho đất được nghỉ ngơi, có phù sa, dinh dưỡng, giúp tiết kiệm được chi phí phân bón, thuốc BVTV cho vụ sau. Ngoài ra, nuôi cá ruộng rất nhàn, chỉ bao lưới xung quanh rồi thả cá, không tốn chi phí thức ăn, so với làm lúa lợi nhuận cao hơn nhiều. Với 2,5 ha thả khoảng 50kg cá giống, mỗi vụ gia đình anh thu hoạch khoảng 9-10 tấn cá các loại, lợi nhuận hơn 50 triệu đồng.
Anh VƯƠNG VĂN NGÂN - Ấp Trường Hòa, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang
“Nuôi thì lời hơn lúa, tại gì lúa năm nay nói chung lúa mọi năm cũng ngon nhưng 2 năm trở lại đây giá phân bón nó hơi cao. Cá nuôi rất êm tại vì mình không có tốn công chỉ tốn công lúc thu hoạch còn từ lúc thả tới thu hoạc không tốn công gì hết, chỉ thả ra tự nhiên rồi tự nó lớn”
Theo thống kê, toàn xã Trường Long A có khoảng 20 hộ dân phát triển kinh tế từ mô hình nuôi cá ruộng. Đây là mô hình mới, nhưng thực tế hiệu quả rất khả quan. Đặc biệt, đây là mô hình phù hợp và thích ứng với điều kiện BĐKH. Từ đó, thời gian tới, nuôi cá ruộng sẽ là một trong những mô hình sinh kế được ngành chức năng xã Trường Long A khuyến khích nông dân phát triển.
Ông TRẦN VĂN DŨNG - Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long A
“Qua cái kết qảu thì người nông dân rất là phấn khởi, mô hình này sắp tới đối với góc độ ở Ủy ban sẽ tiếp tục tuyên truyền cho bà con nhân rộng cái mô hình này đặc biệt là vụ 3, đồng thời sẽ liên kết với hộ thu mua và cung cấp con giống có hợp đồng ký kết với Ủy ban xã, để tạo lòng tin vững chắc cho người dân khi tham gia nuôi cá”
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Hậu Giang, từ năm 2019, mô hình nuôi cá trên ruộng lúa hoặc canh tác 2 vụ lúa – 1 vụ cá đã phát triển khá mạnh trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt ở các huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành A. Việc chuyển đổi từ canh tác lúa vụ 3 sang nuôi cá ruộng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gần 2 lần so với chuyên canh lúa. Ngoài ra mô hình sinh kế này còn giúp cải tạo đất đai, vệ sinh đồng ruộng, từ đó vụ đông xuân mang lại nhiều thắng lợi hơn. Quan trọng hơn là mô hình giúp người dân yên tâm về sinh kế cũng như nâng cao ý thức chủ động ứng phó với tình trạng BĐKH, tạo ra sản phẩm an toàn.
Tính đến tháng 8/2022, tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đạt trên 8.200 ha. Với tổng sản lượng thủy sản ước đạt hơn 40.800 tấn. Chỉ tính riêng trong tháng 8, tổng diện tích nuôi thủy sản đạt hơn 543 ha, với sản lượng ước đạt hơn 9.100 tấn.