Ông Huỳnh Văn Sa ở ấp Sóc Thác, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh còn trụ lại với nghề nuôi gà suốt 20 năm nay nhờ tuân thủ tốt công tác tiêm phòng và sử dụng đệm lót sinh học.
Nuôi gà thịt theo cách đặc biệt suốt 20 năm đảm bảo không nhiễm bệnh
Gia đình ông Huỳnh Văn Sa ở (xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) là hộ duy nhất trụ vững với nghề nuôi gà thịt suốt 20 năm qua mà chưa từng thất thoát do dịch bệnh. Theo ông Sa, để chăn nuôi thành công, trước tiên cần tuân thủ nghiêm ngặt công tác tiêm phòng.
Ông Huỳnh Văn Sa, (ấp Sóc Thác, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang): Khi mới bắt gà về, đầu tiên phải chích Marek. Sau khi chích xong, đem gà vào chuồng úm trở lại và úm trong 5 ngày. Sau 5 ngày, tiêm vacxin nhỏ mắt, nhỏ mũi cho gà. Đến ngày thứ 10, cho gà uống hoặc nhỏ gum. Vào ngày thứ 20, tiêm vacxin dịch tả và ngày thứ 30, tiêm vacxin H5. Cuối cùng, từ ngày 55 đến 60, chích lại vacxin dịch tả.
Theo ông Sa, để ngừa dịch bệnh cho vật nuôi trên nền chuồng ông rải một lớp mùn cưa kết hợp với các men vi sinh có lợi để tạo nên lớp lót sinh học. Khi chất thải như phân hay nước tiểu của gà rơi trên nền chuồng, chúng sẽ được các vi sinh vật xử lý. Sau 6 tháng, ông thay đổi lớp đệm lót một lần, sau đó dùng phân từ đệm lót để trồng rau và bán để tạo thêm thu nhập.
Ngoài ra, để hạn chế nhiễm bệnh, ông thay đổi giống gà theo chu kỳ mỗi năm hai lần, chuyển từ giống gà tre sang giống gà nòi và ngược lại.
Nhờ thực hiện tốt công tác phòng bệnh, hiện ông Sa cùng các con ông nuôi trên 20.000 con gà thịt mỗi năm, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Ông Huỳnh Văn Sa, (ấp Sóc Thác, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh): Nếu nuôi 1.000 con gà, lời khoảng 10 triệu đồng là đã ổn vì mình là nông dân. Như tôi bây giờ đã già, nuôi 4.000 con gà trong 6 tháng cũng lời được 40 triệu đồng, đủ để sống.
Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Thành, gia đình ông Sa là hộ chăn nuôi lâu năm và hiệu quả nhờ áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học và tuân thủ công tác tiêm phòng. Tuy nhiên, hiện nay, các hộ chăn nuôi trên địa bàn đa số còn nhỏ lẻ và ý thức phòng bệnh cho vật nuôi chưa cao.
Phó trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y, huyện Châu Thành, ông Phạm Văn Bảo: Cái khâu tiêm phòng đa số hộ chăn nuôi ít quan tâm do đó công tác tiêm phòng khó khăn. Tuy nhiên anh em vận động bà con chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ.
Theo kế hoạch, từ đây đến cuối năm Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Thành sẽ tổ chức tiêm phòng cho 496 ngàn con gà và vịt. Nhân viên thú y cấp xã cũng được tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh trên gia cầm nhằm hạn chế rủi ro thấp nhất cho người chăn nuôi.