Chưa xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm
Từ năm 2020, gia đình bà Nguyễn Thị Hồng, ở xã Sơn Thành Tây (Tây Hòa) chuyên nuôi gà thịt, mỗi lứa xuất khoảng 1.000 con, lãi hàng chục triệu đồng.
Theo bà Hồng, thời gian qua, việc chăn nuôi của gia đình được thuận lợi, không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm đó là nhờ nắm vững kỹ thuật nuôi gà. Trong đó, khâu vệ sinh phòng dịch là yếu tố quyết định đối với việc thành bại trong chăn nuôi.
Tiếp đến là thức ăn phải đảm bảo chất lượng, nước uống cũng phải sạch. Đặc biệt, đàn gà luôn được tiêm vacxin đầy đủ theo quy định. Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi phải thường xuyên kiểm tra đàn gà để nhận biết được con nào có dấu hiệu bệnh, yếu để cách ly và tiến hành trị cả đàn để tránh lây lan.
Tương tự, đàn lợn nái 30 con của gia đình bà Trần Thị Lành, ở xã Hòa Mỹ Tây (Tây Hòa) từ đầu năm đến nay vẫn an toàn nhờ tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan thú ý trong việc phòng, chống dịch bệnh.
Bà Lành cho biết, gia đình đã áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp tiêm phòng vacxin, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột, cũng như thực hiện tốt quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, kiểm soát vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ngoài ra, vào chuồng nuôi… Từ đó, đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt, bình quân mỗi con nái đẻ từ 8 - 12 lợn con/lứa.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không xảy ra các bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục, cúm gia cầm, lở mồm long móng…
Hiện, tổng đàn trâu bò hơn 164 ngàn con, lợn khoảng 148 ngàn con và gia cầm hơn 4,5 triệu con.
Những yếu tố giúp chăn nuôi phát triển
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, những năm qua, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển, chuyển dịch từ phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, theo hướng công nghiệp, trang trại, chất lượng con giống, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh đó, Phú Yên là một trong những tỉnh không sáp nhập Trạm quản lý chuyên ngành thú y với các đơn vị khác để hình thành các Trung tâm dịch vụ thuộc quản lý của UBND cấp huyện.
Nhờ hệ thống thú y hoạt động thống nhất theo ngành dọc xuyên suốt từ tỉnh đến huyện đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc chỉ đạo hoạt động trong công tác chăn nuôi và thú y.
Hàng năm, công tác tiêm phòng lở mồm long móng, viêm da nổi cục, cúm gia cầm định kỳ đều đạt tỷ lệ cao từ 80-90% tổng đàn trong diện tiêm.
Cũng theo ông Lâm, đến cuối tháng 6/2024, toàn tỉnh đã tiêm phòng vacxin phòng cúm gia cầm cho 253.450 con gia cầm, tiêm vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục cho gần 59.929 con trâu, bò, tiêm vacxin phòng bệnh lở mồm long móng được 87.937 con và tiêm vacxin phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo trên 20.135 con.
Bên cạnh đó ý thức người chăn nuôi đã được nâng cao, chỉ còn số ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ coi thường dịch bệnh, có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Nhiều người chăn nuôi đã chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động tiêm ngừa cho đàn vật nuôi và thực hiện báo cáo dịch bệnh cho cơ quan chức năng.
“Nhờ các giải pháp quyết liệt, đồng bộ và phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan chức năng và địa phương mà tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, chăn nuôi phát triển tốt”, ông Lâm chia sẻ.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, để chăn nuôi tiếp tục phát triển, ổn định trong những tháng cuối năm, Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tích cực triển khai trong công tác tiêm phòng, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học.
Cùng với đó, cơ quan môn hướng dẫn xây dựng, nhân rộng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đặc biệt, triển khai các đợt cao điểm tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường, cũng như thường xuyên chủ động lấy mẫu giám sát sự lưu hành của virus gây bệnh, giám sát sau tiêm phòng…
Trong năm 2024, tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu duy trì đàn trâu, bò khoảng 167.000 con, đàn lợn 152.000 con, đàn gia cầm 4,6 triệu con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt hơn 59.000 tấn, trứng gia cầm các loại 206 triệu quả, sản lượng sữa bò tươi đạt 17.000 tấn.