Từ bỏ thói quen thả rông gia súc, những năm gần đây, người dân tại các huyện vùng cao Lâm Bình (Tuyên Quang) chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo. Việc chăn nuôi trâu, bò vỗ béo thu hồi vốn nhanh, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, mở ra hướng thoát nghèo cho người dân.
Nuôi trâu, bò vỗ béo: Mỗi năm lãi hàng chục triệu cho người dân vùng cao
Từ bỏ thói quen thả rông gia súc, những năm gần đây người dân tại các huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang thực hiện chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo. Việc chăn nuôi trâu, bò vỗ béo thu hồi vốn nhanh, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, mở ra hướng thoát nghèo cho người dân.
Gia đình anh Giàng A Cồ, xã Bình An, huyện Lâm Bình thực hiện nuôi trâu bò theo hình thức vỗ béo từ 4 năm nay. Chăn nuôi vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng. Để có thức ăn cho đàn gia súc, anh Cồ trồng cỏ voi, cỏ VA06, ngoài ra anh tích trữ thêm rơm, cây ngô để phòng khi mùa khô thức ăn khan hiếm. Ngoài cỏ, ăn Cồ cho đàn gia súc ăn thêm tinh bột, cám để tăng dinh dưỡng và sức đề kháng cho đàn gia súc.
Anh Giàng A Cồ, xã Bình An, huyện Lâm Bình
Chăn nuôi vỗ béo là mình buộc ở nhà không đi chăn dắt ở đâu nên nước phải cho uống ngày 2 lần, cỏ thì phải thái cỏ xanh cho nó ăn lúc nào cũng phải no hàng ngày thì nó béo nhanh. Mỗi năm lãi tầm khoảng 30 triệu.
Khu chuồng chăn nuôi của gia đình anh Hoàng Văn Phú, thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình thường xuyên có 20 con trâu bò nuôi theo hình thức vỗ béo. Để có nguồn thức ăn ổn định cho chăn nuôi, anh Phú tận dụng đất bờ, vạt nương trồng cỏ voi, tăng gia sản xuất thêm vụ 3 trồng cây ngô làm thức ăn cho vật nuôi. Ngoài ra, để chủ động nguồn thức ăn trong những tháng mùa đông, gia đình anh thực hiện tích trữ rơm, cỏ, lá ngô và ủ chua làm thức ăn cho trâu. Ngoài nuôi trâu bò vỗ béo anh Phú còn phát triển nuôi gà vịt và cây ăn quả, mỗi năm thu hơn 100 triệu đồng.
Anh Hoàng Văn Phú thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình.
Gia đình tôi thực hiện chăn nuôi trang trại tổng hợp từ năm 2019, trong đó chủ yếu chăn nuôi trâu bò vỗ béo, nuôi gà vịt, trồng cây ăn quả, mỗi năm thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm.
Để chăn nuôi trâu, bò theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, trong những năm tiếp theo ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục hỗ trợ các mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi có hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp để nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi tập trung trên tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi. Điểm tựa cho người chăn nuôi ở Tuyên Quang trong việc chăn nuôi trâu bò vỗ béo đó là tỉnh phát triển mạnh mô hình liên kết trong chăn nuôi. Đặc biệt là chương trình liên kết giữa HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành với các HTX và các hộ dân, nhờ đó người chăn nuôi yên tâm về đầu ra của đàn vật nuôi với giá ổn định.
Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc HXT công nghệ cao Tiến Thành.
Với doanh nghiệp chúng tôi chú trọng việc bình ổn giá, mặc dù trong quá trình thực hiện thị trường có biến đổi nhưng doanh nghiệp chúng tôi cũng đã hỗ trợ bà con tiêu thụ toàn bộ đàn vật nuôi như đã ký kết hợp đồng.
Trong giai đoạn tiếp theo tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là chăn nuôi trâu, bò tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để hướng đến nền sản xuất hàng hóa quy mô mang lại giá trị tăng cao. Khi tham gia vào chuỗi liên kết, người nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. Việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản, nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp một cách bền vững trước những biến động của thị trường.