Thuận lợi nhờ có chợ trâu, bò
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã hình thành nhiều chợ mua, bán vật nuôi xuất phát từ chính nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân. Trong đó, nổi tiếng nhất là chợ trâu, bò Nghiên Loan, nằm trên địa bàn xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, với số lượng giao dịch 400 - 600 con/phiên chợ và có tổng giá trị lên tới hơn 10 tỷ đồng.
Chợ trâu bò Nghiên Loan họp vào ngày 2 và 7 âm lịch, không chỉ là nơi giao dịch hàng hóa của người dân địa phương, mà còn thu hút được đông đảo bà con nhân dân của huyện Pác Nặm, Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) và những vùng giáp danh của tỉnh Tuyên Quang (huyện Chiêm Hóa và Na Hang), tỉnh Cao Bằng (huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm và Nguyên Bình) đến để giao dịch trâu, bò, ngựa,… Ngoài ra, phiên chợ này cũng thu hút được đông đảo giới tư thương từ Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh và nhiều tỉnh, thành khác đến để mua trâu bò mang về miền xuôi bán thịt.
Hoạt động tấp nập từ các chợ mua bán trâu, bò đã phần nào phản ánh được mức độ phát triển lĩnh vực chăn nuôi gia súc ở tỉnh Bắc Kạn. Trong đó, điển hình là huyện Pác Nặm, với tổng đàn trâu, bò hiện nay vào khoảng 20.000 con.
Nhiều hộ đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố và khu vực trồng cỏ để chăn nuôi theo hình thức vỗ béo hoặc chăn nuôi sinh sản. Từ đó, người dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm là chuyện bình thương, một số ít kiếm được tiền tỷ từ chăn nuôi trâu, bò.
Phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, tổng đàn đại gia súc (trâu, bò, ngựa) trên toàn tỉnh hiện có gần 70.000 con.
Mặc dù số lượng có giảm so với những năm trước do dịch bệnh, nhưng phương thức chăn nuôi đã được cơ cấu lại theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi nông hộ áp dụng khoa học công nghệ.
Từ đó, góp phần đưa tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi tăng, ổn định thị trường tiêu thụ và giá bán sản phẩm trên địa bàn vùng cao của tỉnh Bắc Kạn.
Điển hình trong việc đầu tư có quy mô lớn vào chăn gia súc của người dân bản địa ở tỉnh Bắc Kạn là bà Lành Thị Như (xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông). Bà Như thành lập HTX Hùng Mạnh từ năm 2020, với mục đích phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Sau một thời gian thử nghiệm ở nhiều loại hình sản xuất khác nhau, từ năm 2021 HTX Hùng Mạnh đã quyết định chuyển hẳn sang lĩnh vực chăn nuôi đại gia súc thương phẩm. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn, trồng cỏ và mua con giống vào khoảng 5 tỷ đồng. Hiện tại, trại chăn nuôi của HTX Hùng Mạnh có chủ yếu là bò 3b với 80 con, 7 con trâu sinh sản và một số vật nuôi khác như gà, vịt, ngan,…
Bà Lành Thị Như, Giám đốc HTX Hùng Mạnh cho biết: Qua những chuyến đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, chúng tôi quyết định đầu tư chủ yếu vào nuôi con bò 3B, vì phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương. Việc chăn nuôi cũng được áp dụng theo khoa học kỹ thuật, đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi, đủ dinh dưỡng. Kết quả rất tốt, đàn bò tăng trọng lượng đạt từ 40 - 50kg/tháng, đàn trâu béo tốt nên sinh sản tốt và lớn nhanh.
Có thể nói rằng, việc chăn nuôi của HTX Hùng Mạnh đã đem lại công việc ổn định cho 6 người công nhân với mức thu nhập là 6 triệu đồng/người/tháng. Trong đó có 4 người chuyên trồng cỏ và cắt cỏ, 2 người chuyên nhiệm vụ dọn dẹp vệ sinh chuồng trại và chăm sóc vật nuôi. Ngoài ra, HTX cũng sử dụng một số công nhân thời vụ với mức tiền công là 200.000đ/người/ngày.
Ông Trịnh Văn Hiển, là một công nhân của HTX Hùng Mạnh chia sẻ: “Tôi làm việc ở đây thấy công việc và thu nhập rất ổn định. Việc chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt như này đã thay đổi hoàn toàn theo cách chăn nuôi truyền thống tại địa phương. Bản thân thấy hiệu quả công việc cao hơn, vật nuôi nhanh lớn và hạn chế được bệnh tật.