Phát hiện hơn 40 tấn lúa giống có nhãn hàng hóa không đúng quy định. Hưng Yên chuẩn bị thu hoạch vải lai chín sớm. Sóc Trăng khởi động cánh đồng lúa giảm phát thải 50ha. Khuyến nông canh tác lúa giảm phát thải.
Phát hiện hơn 40 tấn lúa giốngcó nhãn hàng hóa không đúng quy định
Trọng Linh sx
Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu vừa tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh lúa giống trên địa bàn tỉnh đến các chủ cơ sở.
Qua kiểm tra thực tế tại cơ sở lúa giống Phong, tại ấp Nam Hưng, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, do ông Hồ Văn Phong làm chủ, có mua bán lúa giống nguyên chủng của Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam (Vinarice) địa chỉ tại tỉnh Đồng Tháp, sau đó phân phối về bán lại cho nông dân.
Qua kiểm tra, ông Phong thừa nhận phía công ty Vinarice đã giao cho ông 22,5 tấn lúa giống RVT nguyên chủng, với giá 20.000 đồng/kg, đã được ông Phong bán lại hết cho người dân để gieo sạ vụ lúa hè thu 2024. Ngoài ra, phía công ty còn giao cho ông thêm 18 tấn lúa giống Đài thơm 8 nguyên chủng với giá 18.000 đồng/kg, đã giao hết cho người dân, chỉ còn lại tại cơ sở 10 bao (400kg).
Theo ghi nhận của PV NNVN, trên bao bì lúa giống Đài thơm 8 nguyên chủng có ghi “hàng hóa sử dụng nội bộ, không kinh doanh” nhưng vẫn được phía công ty Vinarice đem bán cho các cơ sở kinh doanh lúa giống, sau đó phân phối cho các hộ dân.
Sau đó, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu kiểm tra chất lượng, đồng thời lưu giữ 1 bao đựng lúa giống Đài thơm 8 nguyên chủng và mẫu RVT nguyên chủng để yêu cầu đối chiếu thông tin với công ty cung cấp giống. Qua kiểm tra trên bao bì lúa giống chỉ ghi tên giống lúa nguyên chủng Đài thơm 8 của Vinarice, mã số lô giống, không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng, không công bố, tiêu chuẩn, chất lượng…
Đoàn Thanh tra yêu cầu chủ cơ sở lúa giống Phong mời địa diện lãnh đạo công ty TNHH lúa gạo Việt Nam mang toàn bộ hồ sơ của 2 lô giống RVT và Đài thơm 8 cấp nguyên chủng đến làm việc với Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu.
Hưng Yên chuẩn bị thu hoạch vải lai chín sớm
Phạm Huy khai thác
Ít ngày nữa, thủ phủ vải lai chín sớm của tỉnh Hưng Yên sẽ bước vào thu hoạch.
Những vườn vải xanh mướt, sai trĩu quả của huyện Phù Cừ đang dần chuyển sang sắc đỏ, hiện các nhà vườn đang khẩn trương thực hiện những công đoạn cuối cùng để cung ứng ra thị trường. Huyện Phù Cừ hiện trồng 1.200ha vải gồm vải lai chín sớm Phù Cừ với 850ha và vải trứng Hưng Yên có 350ha, được sản xuất theo quy trình VietGAP. Vải lai chín sớm Phù Cừ được trồng chủ yếu ở các xã phía Nam của huyện như xã Tam Đa, Minh Tiến, Tiên Tiến. Lãnh đạo huyện Phù Cừ cho biết niên vụ 2024, vải lai chín sớm Phù Cừ dự kiến cho thu hoạch rộ từ ngày 25/5, sớm hơn các loại vải khác trên thị trường từ 10-15 ngày. Năm nay, dù thời tiết khắc nghiệt nhưng nhờ việc tuân thủ đúng kỹ thuật, chăm sóc đúng quy trình nên vẫn cho tỷ lệ đậu quả cao, dự kiến sản lượng vải quả toàn huyện ước đạt từ 13.500-14.000 tấn.
Sóc Trăng khởi động cánh đồng lúa giảm phát thải 50ha
Kim Anh sx
Ngày 22/5, Sóc Trăng tổ chức lễ khởi động cánh đồng lúa giảm phát thải thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú.
Cánh đồng có quy mô 50ha, ứng dụng các giải pháp canh tác bền vững như: sử dụng giống xác nhận; áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ; quản lý dịch hại tổng hợp và quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, phát thải thấp; sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân giảm hơn 50% lượng giống và 20% phân bón…
Ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng đánh giá, việc khởi động mô hình cánh đồng lúa giảm phát thải là hành động thiết thực cho những cam kết của Chính phủ.
Qua đó, đúc kết bài học kinh nghiệm, hướng tới triển khai nhân rộng, thúc đẩy quy mô canh tác lúa phát thải thấp, để tiếp cận nguồn tái từ việc chi trả tín chỉ các bon.
Khuyến nông canh tác lúa giảm phát thải
Lê Hoàng Vũ SX
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa phối hợp với các đơn vị của tỉnh Đồng Tháp và Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thắng Lợi tổ chức tập huấn quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải phục vụ xây dựng mô hình thí điểm thuộc Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ĐBSCL. Tham gia lớp tập huấn, nông dân được bổ sung các kiến thức trong quy trình canh tác lúa chất lượng cao, các lợi ích như giảm công lao động, giảm chi phí lúa giống, giảm lượng phân bón, gia tăng giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Qua tập huấn, đã có gần 45 ha của 30 thành viên HTX đăng ký thực hiện mô hình điểm Đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.