Phát huy đa giá trị cây sắn. Sơn La nâng cấp hạ tầng logistics để nâng tầm nông sản. Mỗi ngư dân Bình Định ra khơi là một chiến sĩ. 1ha khoai tây tại Nghệ An thu lãi trên 100 triệu đồng.
PHÁT HUY ĐA GIÁ TRỊ CÂY SẮN
Phát biểu tại Hội nghị Thực trạng và định hướng phát triển sắn tại Việt Nam tổ chức tại Gia Lai ngày 8/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, trong thời gian qua giá trị cây sắn phát triển rất tốt và dần trở thành ngành hàng thế mạnh xuất khẩu tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị cây sắn của Việt Nam vẫn chưa được đa dạng, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, đặc biệt là khâu giống vẫn tồn tại rất nhiều hạn chế. Do đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, trong thời gian tới, các địa phương không nên mở rộng diện tích sắn, thay vào đó cần tập trung thâm canh nâng cao chất lượng, giảm chi phí sản xuất. Sản xuất cần đi đôi với nghiên cứu khoa học để hình thành quy trình sản xuất khép kín, từ đó mang lại lợi ích tối đa từ cây sắn. Năm 2021, sản lượng sắn của cả nước đạt gần 10,7 triệu tấn, trong đó có 2,9 triệu tấn được xuất khẩu, mang lại giá trị gần 1,2 tỷ USD.
SƠN LA NÂNG CẤP HẠ TẦNG LOGISTICS ĐỂ NÂNG TẦM NÔNG SẢN
Ngày 8/4, UBND tỉnh Sơn La phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị định hướng phát triển logistics trong tiêu thụ nông sản Sơn La. Theo Bộ Công Thương, hiện hạ tầng về logistics của Sơn La còn thiếu nên cần nâng cấp hạ tầng, nhất là giao thông để từ đó nâng tầm chất lượng, thương hiệu nông sản của Sơn La. Trước mắt, tỉnh Sơn La cần đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư để xây dựng các kho lạnh, kho mát, trung tâm sơ chế các sản phẩm nông sản trước khi đưa đi tiêu thụ tại các vùng miền trên cả nước, cũng như xuất khẩu. Sơn La hiện đã và đang trở thành một trong những trung tâm phát triển nông nghiệp mạnh của cả nước, điển hình là phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả. Trong đó, có một số sản phẩm có sản lượng rất lớn như tinh bột sắn, ngô, cà phê, chè, mận, xoài, nhãn…
MỖI NGƯ DÂN BÌNH ĐỊNH RA KHƠI LÀ MỘT CHIẾN SĨ
Ngày 8/4, Ban Quản lý Cảng cá và Dịch vụ đô thị thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phối hợp với Sở NN-PTNT Bình Định tổ chức Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”.Trong thời gian qua, NN-PTNT Bình Định cùng Bộ Tư lệnh Vùng 4 đã làm tốt công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân về vị trí, vai trò của biển, đảo, kiến thức về pháp luật Việt Nam và quốc tế trong khai thác thủy hải sản trên biển; triển khai các hoạt động hỗ trợ ngư dân khai thác, sản xuất trên biển, tạo tình cảm gắn bó sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ Hải quân với bà con ngư dân.Sở NN-PTNT Bình Định cùng Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải Quân sẽ tiếp tục chương trình này trong thời gian tới nhằm bảo vệ hoạt động hợp pháp, tài sản của bà con ngư dân trên biển; tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển.
MỖI HA KHOAY TÂY TẠI NGHỆ AN THU LÃI TRÊN 100 TRIỆU ĐỒNG
Trong khi nhiều mặt hàng nông sản khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang rớt giá thÌ khoai tây của bà con nông dân Diễn Châu năm nay lại được mùa, được giá. Hiện nông dân làm ra bao nhiều đều có công ty bao tiêu toàn bộ nên bà con vô cùng phấn khởi.Theo chia sẻ của bà con nông dân trồng khoai tây, với giá bán 7.000 đồng/kg như hiện nay, sau khi trừ đi các chi phí, mỗi sào khoai tây cho thu nhập khoảng 5 - 7 triệu đồng. Vụ đông năm 2021, huyện Diễn Châu có hơn 200ha trồng khoai tây cho năng suất cao từ 1 - 1,5 tấn/sào, trung bình 1ha lãi trên 100 triệu đồng, gấp 4 lần so với trồng đậu tương, ngô và 3 lần so với trồng lúa.