Các địa phương cần chủ động rà soát lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chọn lựa những loài phù hợp với đặc thù để tạo thuận lợi phát triển bền vững, theo ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.
Phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn trước thiên tai
Bão Yagi và hoàn lưu mưa sau bão là đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt nhất trong nhiều năm qua ở Bắc bộ; xảy ra đồng thời nhiều loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm như bão, lũ đặc biệt lớn; lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt xảy ra trên diện rộng. Gây ảnh hưởng nặng nề các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và miền núi.
Nhằm đề xuất các phương án, giải pháp, quan điểm tiến tới xây dựng các cộng đồng xã hội an toàn hơn trước thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và PTNT Yên Bái cùng các đơn vị liên quan phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam vừa tổ chức Diễn đàn “Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai”.
Diễn đàn được tổ chức tại tỉnh Yên Bái - một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu bão số 3 trong tháng 9. Ước tính tổng thiệt hại gần 6.000 tỷ đồng.
Về ngành nông nghiệp, Yên Bái ghi nhận 406 công trình thủy lợi hư hỏng, nhiều đê, kè bị vỡ, sạt lở nghiêm trọng; 30 công trình cấp nước sạch bị hư hỏng, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân; 7.000ha diện tích cây trồng bị thiệt hại; hơn 336.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; trên 1.000ha diện tích thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đến nay, những kết quả khắc phục, tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp sau bão số 3 là rất khả quan trên toàn lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, đê kè, nước sạch. Dự kiến đến hết 31/12, toàn bộ các công trình còn lại để đảm bảo sản xuất nông nghiệp và cấp nước cho dân sinh sẽ hoàn thành.
Ông NGUYỄN XUÂN SANG
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Yên Bái
Ngoài sự hỗ trợ từ nguồn lực ngân sách, cộng đồng người dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… khắp cả nước đã cùng nhau hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại.
Nhờ đó, sản xuất lúa, rau màu, chăn nuôi, thủy sản… từng bước được khôi phục, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, mảng cây ăn quả, cây cảnh, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… cần tiếp tục được hỗ trợ các nguồn lực để khôi phục trong thời gian tới.
Ông NGUYỄN VĂN TIẾN
Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai
Bên cạnh thiệt hại lớn về hạ tầng và nông nghiệp, hơn 90% thiệt hại về người do sạt lở và lũ quét. Vì vậy, ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai kiến nghị, cần rà soát lại năng lực phòng chống bão và thiên tai ở các tỉnh phía Bắc với phương châm “Phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính”.
Các địa phương cần xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng, đồng thời cải thiện năng lực hệ thống chính trị. Bên cạnh hỗ trợ từng hộ gia đình, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và nâng cao khả năng chống chịu với thiên tai trong tương lai
Trên cơ sở đó, cần tăng cường năng lực trung hạn và dài hạn, đặc biệt tập trung vào công tác dự phòng để chủ động ứng phó với thiên tai. Học hỏi kinh nghiệm quốc tế giúp nâng cao hiệu quả trong công tác dự phòng, từ đó dành nguồn lực hợp lý để triển khai cho những năm tiếp theo. nông nghiệp bền vững. nông nghiệp bền vững.