Trước mùa mưa lũ năm 2022, lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh chủ động xây dựng phương án đảm bảo an toàn hồ đập, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Diễn tập vận hành hồ chứa Kẻ Gỗ trước mùa mưa lũ
Với tình huống giả định, trong khi vận hành hồ chức nước Kẻ Gỗ, huyện Cẩm Xuyển, tỉnh Hà Tĩnh xảy ra sự cố cửa tràn số 1 bị kẹt không thể nâng để xả nước đến mức tối đa, trong khi mực nước hồ tiếp tục tăng nhanh. Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tỉnh phải huy động lực lượng tại chỗ xử lý sự cố bằng cách thực hiện vận hành hệ thống xả tràn sâu, chắn nước phía trước để sữa chữa cửa tràn bị kẹt.
Việc sửa chữa thực hiện trong các tình huống cụ thể như: Vận hành công trình trong điều kiện bình thường khi đang có điện lưới; Vận hành trong tình huống không có điện lưới, phải sử dụng máy phát điện và khi không có điện, máy phát điện bị hỏng phải vận hành bằng thủ công. Quá trình diễn tập yêu cầu các lực lượng thực hiện thành thạo các thao tác theo đúng quy trình, thời gian quy định.
Ông Lưu Như Hải, Phó trạm trưởng đầu mối hồ Kẻ Gỗ: “Diễn tập thế này để anh em nhuần nhuyễn trong các tính huống, khi có có tình huống xảy ra trong mưa lũ sẽ xử lý an toàn tuyệt đối”.
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, khai thác 25 hồ chứa, 5 đập dâng, 1 cống ngăn mặn giữ ngọt và hệ thống kênh mương, công trình nằm rải rác trên 5 huyện và thành phố. Ngoài một số hồ đập lớn đã được nâng cấp an toàn như: Kẻ Gỗ, Thượng Tuy, Đập Bún, Tàu Voi, Sông Rác, Đá Cát, Mạc Khê..., phần lớn các hồ chứa, nhất là vùng Hương Khê do công ty quản lý được xây dựng từ những năm 1960-1970 đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Chủ động trước dự báo mưa lũ năm nay phức tạp, Công ty hoàn chỉnh báo cáo hiện trạng an toàn đập; phương án ứng phó thiên tai; thường xuyên kiểm tra, bảo trì các thiết bị công trình phục vụ vận hành và điều tiết hồ chứa đảm bảo các thiết bị ở trạng thái vận hành tin cậy trước mùa lũ; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về nhân lực, vật tư, phương tiện, thiết bị, đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc luôn được thông suốt, sẵn sàng ứng phó giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai hoặc sự cố xảy ra.
Ông Trần Mạnh Cường, Giám đốc Công ty tnhh MTV thủy lợi nam Hà Tĩnh: “Tổ chức diễn tập tại kẻ gỗ để đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đảm bảo về chỉ huy, công tác vận hành tại chỗ, kiểm tra thiết bị để chủ động ứng phó các tình huống xảy ra trong mùa mưa bão”.
Để khai thác và phát huy tiềm năng, công năng của hệ thống hồ chứa, thời gian qua, việc quản lý an toàn các công trình hồ đập luôn được tỉnh Hà Tĩnh quan tâm. Vừa qua UBND tỉnh ban hành chỉ thị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022. văn bản yêu cầu tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đề nghị các công ty thủy nông rà soát quy chế phối hợp với các địa phương để điều chỉnh, bổ sung; kiểm tra hệ thống cảnh báo xả lũ ở hạ du; kiểm tra kết nối trực tuyến với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh.
Ông Trần Đức Thịnh, Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh Hà Tĩnh: “Qua quá trình thực hiện này chúng tôi đánh giá cao công tác chuẩn bị của đơn vị quản lý hồ. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tham mưu tỉnh chỉ đạo các đơn vị ngoài ứng phó thì tiếp tục diễn tập để rút kinh nghiệm để chủ động trong công tác ứng phó trong mùa mưa lũ năm 2022”.
Chuẩn bị bước vào cao điểm mùa mưa bão, các ngành chức năng và địa phương tăng cường phối hợp với đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi thường xuyên kiểm tra các hồ, đập; theo dõi diễn biến thời tiết và hạ thấp mực nước hồ khi cần thiết để có dung tích phòng chống lũ. Đơn vị quản lý chú trọng cập nhật, bổ sung phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của từng hồ, đập nhằm sẵn sàng xử lý, ứng phó khi có tình huống xảy ra./.