Thua lỗ triền miên trong nhiều năm khiến người chăn nuôi cạn vốn tái đàn, cộng với việc giá cám quá cao làm tổng đàn gia cầm, thủy cầm trong dân sụt giảm mạnh.
Quy mô đàn gia cầm giảm mạnh do người nuôi cạn vốn và giá cám quá cao
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá thành bán ra chưa tương xứng khiến người chăn nuôi gia cầm cạn vốn và và phải giảm đàn.
Toàn bộ chuồng, trại nuôi vịt của gia đình ông Nguyễn Kim Mạnh đã hoang tàn như thế này từ vài tháng nay. Năm 2021, gia đình ông nuôi 1.500 con vịt để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, khi giá thức ăn tăng cao ông phải giảm 500 con trong tổng số đàn. Đầu năm 2022 do giá thức ăn tiếp tục tăng phi mã, không còn cách nào khác ông buộc phải đóng chuồng.
Ông NGUYỄN KIM MẠNH
Xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội
"Mọi thứ nó lên quá cao, chăn nuôi nó không có lãi, không có đồng công. Bây giờ nuôi 1,2 nghìn vịt công 1 ngày được 1,2 trăm nghìn thì thôi nghỉ mà rủi ro nữa bắt buộc nghỉ, chưa kể dịch bệnh, chưa kể vấn đề khác đấy là suôn sẻ."
Còn đây là trang trại nuôi gà lấy trứng của gia đình ông Cấn Văn Thủy. Với hơn 20 nghìn con, mỗi ngày gia đình ông Thủy phải tốn khoảng 20 kg cám và trung bình khoảng 7 tấn cám/tháng. Giá cám từ năm 2021 đến nay cứ tăng mạnh đã khiến chi phí đội lên. Lãi thì không thấy đâu nhưng lỗ là điều hiển hiện trước mắt và ông Thủy không biết có thể cầm cự đến khi nào.
Ông CẤN VĂN THỦY
Xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội
"Giá cám từ đầu năm 2022 đến nay chỉ vào khoảng 210 nghìn 1 bao thế mà từ 2 tháng nay lên 50 nghìn 1 bao. Công ty lại chuẩn bị cuối tháng báo tăng tiếp người chăn nuôi rất là khó khăn. Đã chăn rồi thì mình vẫn phải chăn không lẽ giờ lại bỏ không."
Một số địa phương cho biết, do giá cả thức ăn chăn nuôi tăng liên tục từ cuối năm 2020 đến nay đã 14 lần. Do giá cả tăng mạnh nên nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Quốc Oai phải giảm đàn hoặc thậm chí bỏ trống chuồng, trại.
Ông NGUYỄN TUẤN VĂN
Chủ tịch Hội nông dân xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội
"So với cùng kỳ năm 2021 số hộ chăn gia cầm đã giảm xuống 35 đến 37 hộ và số lượng con đến thời điểm hiện tại là 58 nghìn con trên toàn địa bàn thì đến thời điểm hiện tại giảm 15,16 nghìn con gia cầm."
Hiện, Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương đang có nhiều nhóm giải pháp như: tập trung vào tăng cường diện tích canh tác vùng nguyên liệu, đặc biệt là trồng các giống mới cho năng suất cao, đưa thêm vào công thức các loại dưỡng chất nhằm giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi. Tuy nhiên, việc quan trọng hơn cả là các doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất thức ăn chăn nuôi cần liên kết để giữ giá bán ở mức hợp lý, nhằm chia sẻ với các doanh nghiệp, hộ nông dân, tăng cường vào đàn để duy trì nguồn cung thực phẩm trong nước.