Vinh danh 20 sản phẩm tiêu biểu tại Festival Nghề muối 2025. Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp thông minh Quảng Ninh - Quảng Tây. Cà Mau: Xóa nhà tạm, nhà dột cho hộ nghèo. Kiên Giang: Nông sản được mùa, được giá.
Nhằm lựa chọn ra những sản phẩm tiêu biểu để vinh danh tại Lễ Khai mạc Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu vào tháng 3 tới, hôm nay 20/2, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) tổ chức họp bình xét sản phẩm tiêu biểu về muối.
Ban tổ chức thông tin, đến ngày 10/2, đã có 55 sản phẩm Muối đến từ 14 tỉnh, của 25 tổ chức, cá nhân và 01 mô hình tiêu biểu về du lịch cộng đồng muối đăng ký tham dự và gửi sản phẩm. Buổi bình chọn tổ chức dưới hình thức trưng bày từng sản phẩm và phát phiếu bình xét. Hội đồng chấm điểm dựa trên các tiêu chí như: sản phẩm đạt OCOP, an toàn vệ sinh thực phẩm, khả năng tiếp cận thị trường, tạo công ăn việc làm và đóng góp cho cộng đồng, khả năng trở thành sản phẩm du lịch, bao bì và đóng gói.
Trên cơ sở thống nhất và biểu quyết bằng phiếu, Hội đồng giám khảo đã chọn được 20 sản phẩm tiêu biểu và 1 mô hình tiêu biểu về du lịch cộng đồng muối để vinh danh tại Lễ Khai mạc Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025.
THÚC ĐẨY HỢP TÁC NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH QUẢNG NINH – QUẢNG TÂY
Tiến Thành
Cũng trong hôm nay 20/2, tại TP Hạ Long, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh tổ chức buổi hội đàm Hợp tác nông nghiệp thông minh với Sở Nông nghiệp và nông thôn khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Trong buổi hội đàm, các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tại Quảng Tây đã giới thiệu về các công nghệ thông minh, công nghệ trí tuệ nhân tạo trong trồng trọt và chăn nuôi, giúp con người có thể hiểu hơn về cây trồng, vật nuôi, từ đó tạo ra các sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao.
Ông Hoàng Trí Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và nông thôn khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây đề nghị Sở NN-PTNT Quảng Ninh cùng hợp tác phát triển nông nghiệp số, đẩy mạnh thúc đẩy công nghệ tiên tiến, hợp tác xây dựng 1 số trang trại nông nghiệp thông minh tại khu vực biên giới, số hóa sản xuất chế biến, giám sát chất lượng nhằm tối ưu hóa chuỗi sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh cũng mong muốn 2 địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, đề nghị Sở NN-PTNT Quảng Tây hỗ trợ Sở NN-PTNT Quảng Ninh học tập chuyển đổi số, công nghệ trí tuệ nhân tạo trong thời gian sớm nhất.
CÀ MAU: XÓA NHÀ TẠM, NHÀ DỘT CHO HỘ NGHÈO
Văn Vũ
Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Cà Mau trong năm 2025. Theo kế hoạch Cà Mau sẽ huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 4.400 căn nhà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Đối tượng được hỗ trợ là gia đình người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo, cận nghèo và hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mức hỗ trợ 60 triệu đồng đối với căn xây mới và 30 triệu đồng với trường hợp sửa chữa.
Đến nay, tỉnh đã khởi công 1.300 căn và hoàn thành 1.100 căn, số còn lại phấn đấu hoàn thành trong tháng 8 năm nay. Nhiều trường hợp không có đất cũng được địa phương kịp thời tháo gỡ. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn vận động các mạnh thường quân, người thân gia đình đóng góp để căn nhà thêm khang trang, giúp bà con có nơi ở ổn định, tạo động lực vươn lên trong cuộc sống.
KIÊN GIANG: NÔNG SẢN ĐƯỢC MÙA, ĐƯỢC GIÁ
Quỳnh Anh
Thời điểm này, bà con vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đang rất phấn khởi khi giá nhiều loại nông, thủy sản có xu hướng tăng cao, từ đó, mang về lợi nhuận lớn. Với những hộ nuôi tôm, nông dân có niềm vui trọn vẹn khi năng suất tôm càng xanh và giá bán đều cao, khoảng 140.000 đồng/kg theo hình thức bán xô ngang. Mức giá này tăng hơn 20.000 đồng/kg so với năm 2024. Cùng với đó, nhiều loại nông sản như khoai từ, chuối xiêm, củ lùn cũng được giá. Trong đó, từ cuối tháng 12/2024 đến nay, giá chuối nải và hoa chuối tăng dần và hiện đang ở mức khá cao, đảm bảo lợi nhuận cho nhà vườn, từ 5.000 - 5.500 đồng/nải, tăng 2.000 đồng/nải, hoa chuối 10.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg so với thời điểm trước đó.