Tuyệt đối không để người dân thiếu nước sinh hoạt trong mùa hạn mặn. Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng tới 80%. Vụ thu hoạch hồ tiêu chậm lại do thời tiết bất lợi. Nông dân hoãn gieo cấy vụ đông xuân để chờ giá rau xanh tăng cao.
TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐỂ NGƯỜI DÂN THIẾU NƯỚC SINH HOẠT TRONG MÙA HẠN MẶN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện về việc chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm ở ĐBSCL và TP.HCM. Theo đó, trong tuần qua, xâm nhập mặn ở ĐBSCL và TPHCM có xu thế tăng theo kỳ triều cường và dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 02 đến tháng 4 năm 2025. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phân công lãnh đạo Bộ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai biện pháp ứng phó phù hợp, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo khí tượng thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn để chủ động ứng phó. Bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuyệt đối không được để người dân thiếu nước sinh hoạt, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục thiếu nước ngọt.
XUẤT KHẨU THỦY SẢN SANG TRUNG QUỐC TĂNG TỚI 80%
Tháng 1/2025, trong khi xuất khẩu thủy sản sang nhiều thị trường ghi nhận sụt giảm nhẹ thì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng hơn 80%.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2025, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 773,95 triệu USD, tăng 3,5% so với tháng 1/2024. Trong đó, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh nhất, tăng tới hơn 80% so với cùng kỳ năm 2024. Trái lại, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc giảm lần lượt là 7,6%; 3,5%; 9,5%.
Dự báo thị trường thủy sản toàn cầu trong năm 2025 sẽ có nhiều biến động, ảnh hưởng đến Việt Nam,... Do đó, thủy sản Việt Nam cần gia tăng giá trị, cải thiện chất lượng sản phẩm và mở rộng các thị trường xuất khẩu mới…
VỤ THU HOẠCH HỒ TIÊU CHẬM LẠI DO THỜI TIẾT BẤT LỢI
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, giữa tháng 2, thông thường địa phương này đã bước vào giữa mùa khô. Nhưng năm nay, sau những tháng dài thời tiết se lạnh thì những ngày trung tuần tháng 2 mưa trái mùa vẫn xuất hiện. Thời tiết bất thường đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của người dân.
Cụ thể, năm nay mưa trái mùa xuất hiện khiến nhiệt độ xuống thấp trong mùa khô, những yếu tố này khiến vụ thu hoạch hồ tiêu đang bị trễ hơn so với thông thường. Vụ thu hoạch chậm hơn và lo ngại thời tiết ảnh hưởng đến năng suất đang giúp giá tiêu tăng trở lại từ đầu tuần. Hiện, giá tiêu tại địa phương này ở mức 160.000 đồng/kg.
NÔNG DÂN HOÃN VIỆC GIEO CẤY ĐỂ CHỜ GIÁ RAU XANH TĂNG CAO
Những ngày gần đây, giá rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giảm mạnh, chỉ bằng 40- 50% so với cách đây 1 đến 2 tháng. Một trong những nguyên nhân khiến nông sản rớt giá là do độ ẩm và nền nhiệt độ năm nay thích hợp đối với cây rau, củ, quả trồng vào vụ Đông Xuân nên cây phát triển mạnh mà ít cần đến yếu tố đầu tư chăm bón. Sau dịp nghỉ Tết nguyên đán, nông dân trên địa bàn tỉnh tập trung xuống đồng thu hoạch các loại rau, củ, quả để giải phóng ruộng, triển khai làm đất sản xuất, gieo cấy lúa cho kịp khung thời vụ. Tuy nhiên vì giá rau rẻ, một số hộ đã hoãn lại việc gieo cấy mà để rau tại ruộng, vườn chờ giá tăng. Bởi theo bà con nông dân, khi đồng ruộng được giải phóng các loại cây rau, màu xong, việc gieo cấy lúa hoàn thành thì các sản phẩm rau xanh sẽ tăng giá trở lại do diện tích rau giảm, nguồn cung không có nhiều.