Tăng cường chế biến sâu để ngành dừa phát triển bền vững. Hậu Giang chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Nhờ tưới nhỏ giọt, năng suất mía đạt trên 100 tấn/ha. Hàng loạt công trình trái phép tại VCCI Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình.
TĂNG CƯỜNG CHẾ BIẾN SÂU ĐỂ NGÀNH DỪA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Hiệp hội dừa Việt Nam thông tin, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa của nước ta đạt trên 1 tỷ USD. Ngành dừa Việt Nam không chỉ là ngành kinh tế nông nghiệp có tiềm năng lớn mà còn là hình mẫu lý tưởng cho phát triển kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, từ thân, lá, trái, đến vỏ và xơ dừa,... tất cả đều có thể được tái sử dụng, tạo ra những giá trị mới, hạn chế lãng phí tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính. Song, để phát triển bền vững ngành dừa cần triển khai các giải pháp nhằm hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, vì xuất khẩu dạng này mang lại giá trị thấp và làm giảm sức hút đầu tư của các nhà máy trong nước. Thêm vào đó, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và tận dụng nguồn lực trong nước để phát triển thêm nhiều nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ dừa, xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm từ dừa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
HẬU GIANG TĂNG CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG HẠN HÁN, XÂM NHẬP MẶN
Văn Vũ
Hậu Giang hiện có khoảng 170.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp, bao gồm lúa Đông Xuân 2024-2025, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản, có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Riêng vùng thượng nguồn có khoảng 90.000-110.000ha nằm trong diện nguy cơ cao.
Trước tình hình này, những ngày qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng thủy văn, đồng thời triển khai các giải pháp như gia cố hệ thống đê bao, cống bọng và trạm bơm để đảm bảo trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, áp dụng các biện pháp để phòng hạn hán và xâm nhập mặn. Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và ổn định sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
NHỜ TƯỚI NHỎ GIỌT, NĂNG SUẤT MÍA ĐẠT TRÊN 100 TẤN/HA
Kim Sơ – Phương Chi thực hiện
Những ngày này, nông dân tỉnh Phú Yên đang bước vào vụ thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, với năng suất trung bình ước đạt 65 tấn/ha. Riêng đối với mô hình tưới nhỏ giọt được Công ty Cổ phần mía đường Tuy Hòa hỗ trợ, triển khai cho nông dân, năng suất đều đạt từ 100 tấn/ha trở lên. Theo nông dân, ứng dụng tưới nhỏ giọt không chỉ giúp năng suất mía cao hơn 30-40%, mà còn tiết kiệm nguồn nước sử dụng. Cùng với đó do phân bón cũng được hòa tan và tưới theo hệ thống nhỏ giọt nên giúp cây mía hấp thụ tối đa lượng phân sử dụng, giảm thất thoát và chi phí đầu tư. Với giá mía hiện được nhà máy đường Tuy Hòa thu mua 1.350.000 đồng/tấn (10CCS) tại ruộng bao gồm các khoản hỗ trợ, chi phí thưởng, tăng khoảng 20 ngàn đồng/tấn so với niên vụ năm ngoái, nông dân thu hoạch lãi từ 50-60 triệu đồng/ha.
HÀNG LOẠT CÔNG TRÌNH TRÁI PHÉP TẠI VCCINGHỆ AN - HÀ TĨNH - QUẢNG BÌNH
(Ngọc Linh - Việt Khánh thực hiện)
Trụ sở Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình được xây dựng tại số 1 Đại lộ Lê Nin, TP. Vinh, Nghệ An.
Trái với quy hoạch được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt trước đó, quá trình thực hiện VCCI chi nhánh Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình đã xây dựng nhiều công trình trái phép. Theo Biên bản kiểm tra ngày 26/11/2024 của Đội Quản lý trật tự đô thị TP. Vinh ghi nhận có 8 hạng mục xây sai vị trí, hoặc không có trong quy hoạch như gara xe, nhà bếp, nhà gỗ, nhà hàng, kho hàng…
Ngày 26/11/2024, UBND TP. Vinh đã ban hành Quyết định yêu cầu đơn vị này phải tháo dỡ công trình vi phạm trong 30 ngày. Đến ngày 31/12/2024, UBND TP. Vinh tiếp tục ban hành Quyết định về việc cưỡng chế tháo dỡ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Báo Nông Nghiệp Việt Nam, đến ngày 19/2/2025 các công trình vi phạm của VCCI chi nhánh Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình vẫn chưa được xử lý dứt điểm.