Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt trên 1 tỷ USD. Giá thấp, nông dân làm lúa không có lãi nếu phải thuê đất sản xuất. Nông dân ngày càng quan tâm đến việc sử dụng phân bón hữu cơ. Doanh thu xã hội của Mộc Châu có thể đạt trên 1.200 tỷ đồng.
TỔNG KIM NGẠCH XUẤT KHẨU CÁC SẢN PHẨM TỪ DỪA ĐẠT TRÊN 1 TỶ USD
Chỉ vài tháng sau khi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa của Việt Nam đã đạt gần 1,1 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên sau 14 năm, trái dừa Việt Nam cán mốc tỷ USD, khẳng định vị thế của ngành dừa trên bản đồ xuất khẩu nông sản.
Cụ thể, theo số liệu từ cơ quan hải quan, tính đến cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam đạt 390 triệu USD, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2023. Hiện tại, trái dừa là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ ba, chỉ xếp sau sầu riêng và thanh long. Như vậy, từ mức kim ngạch khiêm tốn 180 triệu USD vào năm 2010, ngành dừa đã có bước phát triển vượt bậc, đạt hơn 900 triệu USD vào năm 2023 và chính thức vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2024.
GIÁ THẤP, NÔNG DÂN LÀM LÚA KHÔNG CÓ LÃI NẾU PHẢI THUÊ ĐẤT SẢN XUẤT
Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang bước vào giai đoạn thu hoạch tập trung lúa đông xuân. Lúa sau thu hoạch đều được nông dân bán tươi tại ruộng cho thương lái và doanh nghiệp. Ghi nhận tại TP Cần Thơ, Vụ lúa Đông Xuân 2024 - 2025, toàn thành phố xuống giống trên 72.000 ha. Hiện giá nhiều loại lúa ở mức thấp hơn từ 2.000 - 2.500 đồng/kg so với vụ Đông Xuân 2023 - 2024, dao động từ 5.000 - 7.500 đồng/kg, tùy nhóm giống lúa. Với giá bán này, bà con cho biết nếu làm lúa đất của gia đình, năng suất lúa đạt từ 1 tấn/công trở lên, vẫn có thể kiếm lời từ 2 - 3 triệu đồng/công. Nhưng nếu thuê, mướn đất để sản xuất lúa, khó có thể thu hồi được vốn, nhất là trong trường hợp phải thuê đất với giá cao và lúa đạt năng suất thấp, cộng với giá bán thấp.
NÔNG DÂN NGÀY CÀNG QUAN TÂM ĐẾN VIỆC SỬ DỤNG PHÂN BÓN HỮU CƠ
Văn Vũ
Nhằm nâng cao nhận thức và kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác lúa, hôm nay 18/2, Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại MASUDA Việt Nam tổ chức Hội thảo nhân rộng mô hình “Giải pháp canh tác ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong canh tác lúa phù hợp với độ phì nhiêu của đất”. Hội thảo thu hút sự quan tâm của hàng trăm nông dân trong huyện. Các chuyên gia đến từ Công ty MASUDA Việt Nam và trường ĐH Cần Thơ đã chia sẻ những thông tin quan trọng về lợi ích của phân bón hữu cơ đối với cây lúa, đất trồng và môi trường. Qua đó, không chỉ giúp bà con tiếp cận với những kiến thức mới mà còn góp phần thay đổi tư duy canh tác, hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững hơn.
DOANH THU XÃ HỘI CỦA MỘC CHÂU CÓ THỂ ĐẠT TRÊN 1.200 TỶ ĐỒNG
Quang Dũng - Sx
Từ sau Tết Nguyên đán, hoa mận nở rộ nên lượng khách đến Mộc Châu, Sơn La tăng mạnh, mang lại nguồn doanh thu đáng kể cho những người làm dịch vụ tại địa phương. Theo Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Mộc Châu, tính từ mùng 31/1/2025 (Tức mùng 3 Tết) đến nay, địa phương này đã đón hơn 250.000 lượt du khách đến tham quan và chụp ảnh mùa hoa mận.
Lượng khách mỗi ngày khoảng 10.000 lượt và tăng gấp đôi vào cuối tuần. Ước tính từ ngày 1/1 đến hết tháng 2, tổng số lượt khách thăm quan, du lịch đến địa phương này đạt hơn 1 triệu lượt. Tổng doanh thu xã hội của Mộc Châu ước đạt 1.300 tỷ đồng. Hiện, Thị xã Mộc Châu có khoảng 300 cơ sở lưu trú du lịch như khách sạn, nhà nghỉ, homestay. Bởi vậy, con số này không đủ phục vụ lượng khách tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái.