Hơn 295.000 tấn sắn và sản phẩm từ sắn được xuất khẩu trong tháng 1. Trồng rau màu trên ruộng lúa thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ. Bảo vệ Vườn quốc gia Phú Quốc trong điều kiện khô hạn. Gieo cấy đảm bảo lịch thời vụ kết hợp phòng chống dịch hại.
Sapo: Hơn 295.000 tấn sắn và sản phẩm từ sắn được xuất khẩu trong tháng 1. Trồng rau màu trên ruộng lúa thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ. Bảo vệ Vườn quốc gia Phú Quốc trong điều kiện khô hạn. Gieo cấy đảm bảo lịch thời vụ kết hợp phòng chống dịch hại.
HƠN 295.000 TẤN SẮN VÀ SẢN PHẨM TỪ SẮN ĐƯỢC XUẤT KHẨU TRONG THÁNG 1
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2025, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 295.000 tấn sắn và sản phẩm từ sắn, đạt giá trị trên 99,3 triệu USD.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines tiếp tục là những đối tác nhập khẩu chính. Trong đó, Trung Quốc chiếm tỷ trọng áp đảo với hơn 281.000 tấn, trị giá trên 92 triệu USD, tương đương 95% tổng sản lượng xuất khẩu. Việt Nam hiện có hơn 140 nhà máy chế biến tinh bột sắn với tổng công suất đạt 9,3 triệu tấn/năm. Theo định hướng của Bộ NN-PTNT, đến năm 2030, sản lượng củ sắn tươi cả nước dự kiến đạt từ 11,5 - 12,5 triệu tấn/năm.
TRỒNG RAU MÀU TRÊN RUỘNG LÚA THU NHẬP HÀNG CHỤC TRIỆU ĐỒNG MỖI VỤ
Văn Vũ
Tận dụng diện tích đất ruộng sau khi thu hoạch lúa đông xuân, thay vì trồng vụ lúa hè thu gặp nhiều rủi ro do hạn, mặn, bà con tại Cà Mau đã tận dụng trồng các loại rau màu như bí rợ, bầu, bí đao hoặc đậu bắp khoảng 60-70 ngày là có thể thu hoạch. Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên rau màu có năng suất rất cao. Trung bình mỗi hecta cho thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng mỗi vụ, cao hơn nhiều so với trồng lúa. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đang khuyến khích chuyển đổi sản xuất canh tác trong các tháng hạn, mặn. Do đó, việc đưa màu xuống ruộng được xem là giải pháp hiệu quả, không chỉ giúp cải tạo đất mà còn thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Ngoài ra, mô hình không chỉ giúp cải thiện đời sống mà còn góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
BẢO VỆ VƯỜN QUỐC GIA PHÚ QUỐC TRONG ĐIỀU KIỆN KHÔ HẠN
Do nắng nóng kéo dài, hiện nay Vườn quốc gia Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có nguy cơ cháy rất cao. Các ngành các cấp tỉnh Kiên Giang và thành phố Phú Quốc đang triển khai nhiều biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô.
Sở NN-PTNT Kiên Giang thông tin, hiện nay Phú Quốc có 18 điểm báo cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm với diện tích 6.000 ha, trong đó có 2.700ha có nguy cơ cháy rất cao. Tại 18 điểm này địa phương đã bố trí lực lượng trực 24/24, trong đó vườn quốc gia là lực lượng chủ lực; đồng thời Phú Quốc đã chủ động xây dựng 6 lán canh và đưa phương tiện chữa cháy vào sẵn sàng ứng phó khi có cháy xảy ra. Ngoài ra Phú Quốc có 5 điểm có nguy cơ cháy cao với diện tích hơn 600 ha. Ngành nông nghiệp cũng đã bố trí 15 điểm trực, mỗi điểm 2-3 người xung quanh các khu vực này.
GIEO CẤY ĐẢM BẢO LỊCH THỜI VỤ KẾT HỢP PHÒNG CHỐNG DỊCH HẠI
Sở NN&PTNT Hà Nội thông tin, đến nay, diện tích mạ vụ xuân đã gieo của TP là trên 4.200ha và đều được che phủ. Số lượng mạ khay là gần 748.300 khay. Diện tích lúa đã cấy đạt trên 55.600ha, diện tích có nước đạt hơn 96%), diện tích làm đất trên 92%.
Nhìn chung, thời tiết cơ bản thuận lợi để gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ; sau cấy, lúa sinh trưởng, phát triển tốt; lúa xuân trà sớm đang giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh... Tuy nhiên, qua thăm đồng cho thấy, đã xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh hại, như: Ốc bươu vàng, chuột, bệnh nghẹt rễ… Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động bà con tập trung gieo cấy, bảo đảm đúng khung thời vụ phấn đấu hoàn thành trong tháng 2 này. Đồng thời kết hợp các biện pháp phòng chống dịch gây hại cây trồng.