Kỳ vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ. Nghệ An: Người nuôi tôm mong chờ dự án cấp nước biển. Nở rộ dịch vụ cho thuê sân phơi lúa tại miền Tây. Lâm Đồng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hơn 900ha.
KỲ VỌNG XUẤT KHẨU GỖ VÀ SẢN PHẨM GỖ VÀO THỊ TRƯỜNG MỸ
Năm 2024, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu đạt 16,3 tỷ USD, vượt mục tiêu 15,2 tỷ USD đề ra. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với 8,17 tỷ USD, chiếm 56% trong tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Đây cũng là động lực lớn, dự báo giữ đà tăng trưởng cho cả năm 2025.
Các chuyên gia nhận định, sự phục hồi của thị trường nhà ở Mỹ, thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, sẽ tiếp tục là động lực chính duy trì đà tăng trưởng của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong năm 2025. Giá cước vận chuyển giảm kết hợp với nhu cầu tăng cao dự kiến sẽ giúp cải thiện lượng đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Do đó, để đáp ứng nhu cầu sẽ tăng trở lại, nhất là vào nửa cuối năm 2025, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm gỗ cho thị trường đối ứng, không ngừng cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu, liên kết chuỗi, tập trung giảm các chi phí, trong đó có chi phí logistics để tạo thế cạnh tranh bền vững.
NGHỆ AN: NGƯỜI NUÔI TÔM MONG CHỜ DỰ ÁN CẤP NƯỚC BIỂN
(Ngọc Linh – Việt Khánh)
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nghề nuôi tôm đang đối diện muôn vàn thách thức, bên cạnh con giống kém chất lượng thì việc ô nhiễm nguồn nước là nỗi lo thường trực.
Tại Xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, địa phương có trên 100 ha nuôi tôm. Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết, Dự án Xây dựng hệ thống cấp nước biển nuôi tôm công nghiệp theo quy chuẩn VietGAP tại xã Quỳnh Bảng được phê duyệt với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng. Dự án triển khai từ đầu năm 2021, đến nay cơ bản đã hoàn thành nhưng chưa thể đưa vào vận hành do vướng mắc về nguồn kinh phí. Theo chính quyền địa phương, các hộ nuôi được thụ hưởng dự án nên phải có trách nhiệm đóng góp. Trong khi đó, các hộ lại mong muốn được hỗ trợ tổng thể. Đôi bên chưa tìm được tiếng nói chung thành thử dự án chưa thể đưa vào vận hành chính thức.
Những ngày qua, vụ lúa đông xuân 2024-2025 ở ĐBSCL đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ. Bên cạnh niềm vui được mùa, nhiều nông dân và thương lái đang sôi nổi tìm chỗ phơi lúa do diện tích sân phơi ngày càng thu hẹp. Nhờ đó, dịch vụ cho thuê sân phơi lúa đang nở rộ, giúp bà con giải quyết bài toán phơi sấy nhanh chóng và hiệu quả hơn. Hiện tại, dọc theo các tuyến đường chính ở nhiều tỉnh miền Tây như An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang… không khó để bắt gặp những bãi sân rộng hàng nghìn mét vuông được dùng để phơi lúa. Năm nay giá thuê dao động từ 200.000 - 250.000 đồng/ tấn lúa, với sân rộng 1.000m2 có thể phơi được vài chục tấn lúa 1 lần, khoảng 2-3 ngày lúa sẽ khô, sau gần 1 tháng cho thuê sẽ kiếm khoảng vài chục triệu đồng.
LÂM ĐỒNG CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG HƠN 900HA
Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng thống kê trong năm 2025, địa phương có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang cây trồng hàng năm và lâu năm trên diện tích 931,6 ha. Theo ngành nông nghiệp Lâm Đồng, diện tích chuyển đổi là những nơi trồng lúa 1 vụ, năng suất và sản lượng không cao. Đặc biệt, vào mùa khô việc thiếu nước tưới thường xuyên xảy ra, nhất là địa bàn không có kênh dẫn nước tưới, người dân canh tác gặp nhiều khó khăn, do đó qua rà soát chính quyền địa phương đã vận động bà con thực hiện chuyển đổi cây trồng phù hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Trong năm 2024, Lâm Đồng cũng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh với hơn 1.512 ha diện tích trồng lúa sang cây trồng khác có giá trị kinh tế phù hợp với thổ nhưỡng.