Từng được biết đến là vùng nuôi bò sữa của Thủ đô, nay nghề trồng hoa giấy đã thực sự nhuộm sắc màu tươi sáng lên đời sống của bà con nông dân xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm.
Phù Đổng 'thay da đổi thịt' nhờ hoa giấy
Trước kia, nhắc đến xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, ngoài đền Phù Đổng, nơi đây còn được biết đến là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp với các làng nghề trồng rau, củ, quả thôn Đổng Viên, nghề chăn nuôi bò sữa tại thôn Phù Dực. Dẫu vậy, cuộc sống của người dân làng Phù Đổng vào những năm đầu thế kỉ vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhiều năm trở lại đây, nhờ phát triển làng nghề cây cảnh, hoa giấy ở 3 thôn mang tên Phù Đổng, nghề trồng hoa giấy đã thực sự nhuộm những sắc màu rực rỡ lên đời sống của bà con nơi đây.
Lãnh đạo UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh cho biết, Tính đến hết năm 2020, tổng số hộ làm nghề trồng hoa, cây cảnh tại 3 thôn của Phù Đổng là 441 hộ. Hằng năm, làng nghề trồng hoa, cây cảnh Phù Đổng tạo ra hàng nghìn sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và được thị trường đón nhận. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người làm nghề đạt gần 10 triệu đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với thu nhập bình quân của người làm nông nghiệp hoặc dịch vụ khác.
Nhờ tự tìm tòi và học hỏi của các nhà vườn cùng địa phương, Anh Dự đã bắt đầu nghề trồng hoa giấy trong 7 năm nay, Với diện tích khoảng 7.200m2, mỗi năm, vườn trồng hoa giấy đem về cho anh và gia đình lợi nhuận gần nửa tỉ đồng nhờ được tiêu thụ thuận lợi quanh năm.
Có thể nói, nhờ hoa giấy, cuộc sống của người dân xã Phù Đổng đã và đang thay da đổi từng ngày, không khó để nhận ra, bao quanh những di tích lâu đời là khu vực dân cư khang trang.
Để biến tiềm năng thành sản phẩm hấp dẫn và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xã Phù Đổng đã xây dựng "Đề án phát triển du lịch Phù Đổng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó, làng nghề trồng cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng thuộc dòng sản phẩm du lịch sinh thái. =