| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam nỗ lực giảm 9 triệu tấn khí CO2e từ nông nghiệp trong 10 năm

Thứ Ba 07/06/2022 , 18:22 (GMT+7)

Từ thành công của Dự án VnSAT, Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Thế giới nghiên cứu khởi động dự án về nông nghiệp carbon thấp và tăng trưởng xanh để giảm 9 triệu tấn CO2e.

Ngày 7/6, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội thảo xây dựng đề xuất Dự án Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp carbon thấp và tăng trưởng xanh.

"Cú hích" từ Dự án VnSAT

Xuất phát từ kết quả Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (Dự án VnSAT) thực hiện ở ĐBSCL và Tây Nguyên cũng như yêu cầu mới của Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB), ngày 31/3/2022, WB đã họp với Bộ NN-PTNT để thảo luận nội dung và cách thức xây dựng “Dự án Phát triển nông nghiệp carbon thấp và tăng trưởng xanh” với ý tưởng “Việt Nam đề xuất chương trình giảm 9 triệu tấn khí thải nhà kính trong ngành nông nghiệp” nhằm đảm bảo cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP 26, đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Hội thảo xây dựng đề xuất Dự án Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp carbon thấp và tăng trưởng xanh ngày 7/6. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hội thảo xây dựng đề xuất Dự án Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp carbon thấp và tăng trưởng xanh ngày 7/6. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB, hiện nay, thực tế cho thấy nhu cầu nhập khẩu "hàng hóa xanh" cũng như sản phẩm bền vững của các quốc gia trên thế giới có xu hướng ngày càng tăng.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Ví dụ như cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26; cam kết chuyển đổi hệ thống lương thực theo hướng minh bạch, có trách nhiệm và bền vững, khát vọng trở thành cường quốc lương thực toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực của Liên hợp quốc năm 2021.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 cũng đặt ra mục tiêu thúc đẩy nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nông nghiệp carbon thấp.

Bộ NN-PTNT đặt ra mục tiêu thúc đẩy nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nông nghiệp carbon thấp. Ảnh: Kim Anh.

Bộ NN-PTNT đặt ra mục tiêu thúc đẩy nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nông nghiệp carbon thấp. Ảnh: Kim Anh.

Hiện nay, ngành nông nghiệp góp 19% tổng lượng khí thải, và lúa gạo góp khoảng một nửa lượng khí thải của ngành và hơn 70% lượng khí thải metan. Bài học từ Dự án VnSAT cho thấy, áp dụng biện pháp “1 phải 5 giảm” trong canh tác lúa có thể tăng năng suất 5%, tăng lợi nhuận ròng 28,6% và giảm khoảng 8 tấn CO2e /ha/năm.

Triển vọng giảm 9 triệu tấn CO2e

Nghiên cứu về sử dụng đất nông nghiệp và sinh kế bền vững ở ĐBSCL cho thấy, có thể giảm 12 - 23 tấn CO2e bằng cách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) và thực hành nông nghiệp tốt (GAP); thay thế đất lúa kém hiệu quả bằng các hệ thống canh tác thông minh thích ứng với khí hậu, giảm thất thoát sau thu hoạch và quản lý rơm rạ tốt hơn.

Chia sẻ về đề xuất chương trình giảm 9 triệu tấn khí nhà kính trong ngành nông nghiệp của Việt Nam, ông Cao Thăng Bình phân tích, áp dụng biện pháp “1 phải 5 giảm” trên 600.000 ha (70% diện tích lúa còn lại trong vùng chính) ở ĐBSCL sẽ giảm khoảng 3,2 triệu tấn CO2e mỗi năm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đồng thời, cần chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang hệ thống canh tác carbon thấp bằng cách chuyển đổi 530.000 ha (70%) đất trồng lúa kém hiệu quả ở ĐBSCL sang các hệ thống canh tác carbon thấp có lượng phát thải bằng một nửa, qua đó giảm được khoảng 2,6 triệu tấn CO2e mỗi năm.

Bên cạnh đó, cần quản lý rơm rạ tốt hơn bằng cách tái chế 70% rơm rạ ở ĐBSCL (70% trong số 5 triệu tấn rơm khô) để sử dụng thay thế với ít phát thải khí nhà kính hơn (khoảng 50% so với đốt), sẽ giảm 2,6 triệu tấn CO2e mỗi năm.

Giảm tổn thất thu hoạch/sau thu hoạch bằng cách giảm tổn thất thu hoạch/sau thu hoạch từ 13% xuống 7%, sẽ giảm khoảng 0,8 triệu tấn CO2e mỗi năm.

“Tổng mức giảm khí nhà kính tiềm năng từ quy mô trên sẽ vào khoảng 9 triệu tấn CO2e. Điều này có thể thực hiện được trong khoảng thời gian 10 năm tới. Các hoạt động sẽ yêu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phát triển thị trường cho các mặt hàng mới. Đổi lại, người dân có thể kỳ vọng một mức thu nhập tốt hơn đến từ các mặt hàng có giá trị cao”, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB phân tích.

Hiện nay, ngành nông nghiệp góp 19% tổng lượng khí thải. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện nay, ngành nông nghiệp góp 19% tổng lượng khí thải. Ảnh: Minh Hậu.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh bày tỏ sự vui mừng khi Bộ NN-PTNT, WB và các địa phương đã có sự đồng thuận cao trong khâu chuẩn bị, xây dựng dự án. Đồng thời, Thứ trưởng mong muốn WB sẽ tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ nguồn lực, nguồn vốn cho Bộ NN-PTNT và các địa phương.

“Đây là vấn đề liên quan đến môi trường, là nỗi lo chung của toàn thế giới. Việt Nam là một đất nước cam kết mạnh mẽ và đi tiên phong trong việc giảm phát thải. Chúng ta sẽ lựa chọn những hoạt động, mô hình đảm bảo mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với từng địa phương”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng cho rằng, để một dự án mang lại hiệu quả, thành công, khâu tư vấn, chuẩn bị hợp phần dự án có vài trò hết sức quan trọng và phải được rà soát, thực hiện kĩ lưỡng. Những kinh nghiệm sản xuất lúa của bà con ĐBSCL sẽ được kế thừa để nâng cao lên mức đồng bộ hơn, bài bản hơn.

Dự án sẽ lựa chọn những hoạt động, mô hình đảm bảo mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với từng địa phương. Ảnh: TL.

Dự án sẽ lựa chọn những hoạt động, mô hình đảm bảo mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với từng địa phương. Ảnh: TL.

Theo đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Sở NN-PTNT các địa phương báo cáo lãnh đạo tỉnh để rà soát, kiểm tra, sau đó khẳng định khả năng cùng tham gia dự án với Bộ NN-PTNT.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng giao Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì, cùng với Ban Quản lý các Dự án nông nghiệp và các đơn bị của Bộ NN-PTNT thành lập nhóm chuẩn bị dự án, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới để xây dựng dự án.

Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ thống nhất ý tưởng và nội dung dự án trước ngày 30/6/2022.

Ban Quản lý các dự án nông nghiệp xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề xuất dự án trước ngày 15/11/2022. Các đơn vị trong Bộ góp ý kiến và Ban Quản lý các dự án nông nghiệp chỉnh sửa, hoàn thiện trước ngày 15/12/2022.

Bộ NN-PTNT ký văn bản kèm theo đề xuất dự án để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trước ngày 31/12/2022. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án trước ngày 30/3/2023.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.