Sầu riêng phát triển nóng: Tránh ‘dội chợ’, ồ ạt trồng rồi vội chặt. Xuất hiện ‘lực đẩy’ xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm. TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL hợp tác thích ứng biến đổi khí hậu. Điểm kết nối bán sản phẩm OCOP đầu tiên tại TP.HCM. Đảm bảo phúc lợi động vật trong chăn nuôi.
Sầu riêng phát triển nóng: Tránh ‘dội chợ’, ồ ạt trồng rồi vội chặt
Lê Bình sx
Tại diễn đàn “Cơ hội và thách thức phát triển ngành sầu riêng Việt Nam” được tổ chức tại tỉnh Đồng Nai sáng ngày 21/7, ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, cho biết, để đủ sức cạnh tranh với những đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam phải khắc phục các khó khăn như xây dựng vùng trồng, kho lạnh; mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng, tránh phụ thuộc một vài thị trường. Đồng thời giải quyết vấn nạn thu hoạch sầu riêng non và tập trung chế biến sâu.
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng: với tốc độ phát triển rất nhanh về diện tích sầu riêng như hiện nay thì cần phải có những cơ chế, quy định rõ ràng để sầu riêng được phát triển bền vững, tránh dội chợ, đi vào lối mòn ồ ạt trồng, sau đó lại vội chặt bỏ.
Xuất hiện ‘lực đẩy’ xuất khẩu tôm 6 tháng cuối năm
Minh Sáng – Đậu Hồng Thắm
Thông tin tại Diễn đàn kết nối sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam diễn ra ngày 21/7 tại TP.Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm 2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt 656.000 ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng đạt 467.000 tấn, tăng 4,1%. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tôm giảm, chỉ đạt 1,56 tỷ USD.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho có xu hướng giảm và nhu cầu cho các kỳ nghỉ cuối năm tăng, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm được kỳ vọng sẽ tăng trở lại tại các thị trường xuất khẩu lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc.
TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL hợp tác thích ứng biến đổi khí hậu
Văn Vũ sx
Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL vừa công bố Kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và giai đoạn 2024 – 2025.
Trong đó, 5 lĩnh vực được tập trung ưu tiên là: hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu, trao đổi kinh nghiệm, giải pháp khoa học trong công tác phòng chống lụt bão, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với thiên tai. Đồng thời tổ chức các hội thảo hợp tác quốc tế về giải pháp canh tác mới, giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu. Đề xuất các dự án bảo vệ và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và các vùng đất ngập nước quan trọng, hình thành hàng lang đa dạng sinh học kết nối với các vườn quốc gia.
Điểm kết nối bán sản phẩm OCOP đầu tiên tại TP.HCM
Minh Sáng sx
Điểm kết nối, quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP vừa được khai trương tại số 135A Pasteur, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM.
Tại đây trưng bày và kinh doanh gần 300 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 4 sao cùng nhiều sản phẩm đặc sản và sản phẩm OCOP tiềm năng của nhiều tỉnh thành trong cả nước. Các sản phẩm đều được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, có bao bì, nhãn mác rõ ràng và niêm yết giá công khai.
Đây là mô hình đầu tiên tại TP.HCM nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP và sẽ xây dựng thành chuỗi cửa hàng kinh doanh.
Đảm bảo phúc lợi động vật trong chăn nuôi
Toán Nguyễn sx
Ngày 21/07, Hội Bảo vệ động vật Việt Nam phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang tập huấn để trang bị kiến thức cho cán bộ quản lý, chỉ đạo phát triển chăn nuôi cấp tỉnh, cấp huyện về phúc lợi động vật. Giảng viên của chương trình là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi thuộc Hội Bảo vệ động vật Việt Nam, Viện Thú y và Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có gần 156.500 cơ sở chăn nuôi. Do đó, chương trình tập huấn được kỳ vọng giúp nâng cao kiến thức về phúc lợi động vật lứa cán bộ có chuyên môn. Đây là lực lượng nòng cốt tuyên truyền đối xử nhân đạo, đảm bảo phúc lợi động vật trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.