Giải quyết những vướng mắc về các quy định sản xuất từ các thị trường. Người dân, doanh nghiệp cần cập nhật, nắm rõ các quy định mới từ SPS Việt Nam cung cấp.
Cập nhật thông tin SPS thị trường EU, Trung Quốc cho doanh nghiệp
Để doanh nghiệp tiếp cận các quy định mới về SPS từ các thị trường EU, Trung Quốc, Văn phòng SPS Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp phổ biến thông tin.
Những năm gần đây, nông dân, hợp tác xã, các công ty sản xuất và xuất khẩu nông sản nước ta gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các thông tin, quy định mới từ thị trường, đặc biệt là EU và Trung Quốc.
Theo văn phòng SPS Việt Nam, trong vòng 3 năm gần đây, các yêu cầu, quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh cũng như quy định về xuất xứ nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, quy định về chất lượng sản phẩm luôn được quan tâm và quản lý chặt chẽ. Tính riêng năm 2021, các quốc gia thành viên WTO công bố khoảng 1.000 thay đổi về các biện pháp an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Như vậy, trung bình mỗi tháng, Văn phòng SPS Việt Nam nhận khoảng 100 thông tin về những thay đổi này. Do vậy, khi người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường thì cần phải nắm được các thay đổi, quy định mới.
Còn đây là khu trang trại rộng 2ha sản xuất rau thủy canh công nghệ cao của Công ty Trang trại Trường Phúc tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Mỗi tháng, doanh nghiệp này đáp ứng hàng chục tấn rau xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, doanh nghiệp này liên tục áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Theo dự kiến, trong năm 2022, doanh nghiệp này tìm hiểu, mở rộng thị trường Nhật Bản, Singapre, Trung Quốc nhưng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin.
Ông Tô Quang Dũng, Giám đốc điều hành Công ty Trang trại Trường Phúc, Đà Lạt, Lâm Đồng
Có thể nói rằng trong dịch Covid-19 thì thói quen người tiêu dùng và những quy định, hàng rào kỹ thuật về an toàn thực phẩm của các quốc gia có sự thay đổi. Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, các thông tin cập nhật về sự thay đổi thì gặp nhiều khó khăn. Trên internet, các tài liệu hướng dẫn về an toàn thực phẩm, hàng rào kỹ thuật, hướng dẫn về an toàn thực phẩm đang còn nhiều khó khăn. Chúng tôi phải tìm hiểu trên internet và nhờ khách hàng từ nước ngoài hỗ trợ. Tuy nhiên những thông tin này thì tính chính xác không cao, chưa đáng tin cậy. Có thể nói là chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận thông tin.
Về phía doanh nghiệp, chúng tôi mong nhà nước và Văn phòng SPS, các bộ ngành hỗ trợ, chia sẻ thông tin hoặc tìm kiếm thông tin mà giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu dễ tìm kiếm các thông tin, hàng rào kỹ thuật, các quy định của thị trường.Theo Văn phòng SPS Việt Nam, vấn đề hiện nay là người sản xuất, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, các quy định sản xuất của các thị trường. Do vậy, để giải quyết vấn đề này, Văn phòng SPS Việt Nam đã cùng với các diễn giả, chuyên gia, các viện nghiên cứu… cập nhật và cung cấp thông tin. Các vướng mắc của doanh nghiệp đã được Văn phòng SPS Việt Nam cập nhật và phổ biến.
Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam
Liên quan vấn đề truyền tải thông tin thay đổi của thị trường đến doanh nghiệp, các đối tượng liên quan thì ngoài việc tổ chức hội nghị, tổ chức thực tiễn, tham quan mô hình hướng dẫn thực tiện ngoài hiện trường thì chúng tôi còn kết nối với các doanh nghiệp để làm sao chuyển tải thông tin nhanh nhất. Trước mắt là thông qua hệ thống zalo và quảng bá rộng rãi đến các doanh nghiệp biết được địa chỉ, đầu mối thông tin quốc gia. Đây là đầu mối cung cấp chính thức thông tin về các biện pháp SPS của các thị trường. Về lâu dài thì văn phòng sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền kiện toàn hệ thống SPS của Việt Nam để làm sao đạt được mục tiêu cung cấp thông tin thị trường một cách chính thức đến các đối tượng có liên quan nhanh nhất, đảm bảo hiệu quả. Tôi cho rằng trước thực trạng một nền nông nghiệp luôn luôn có biến động và mù mờ thông tin thì việc làm rõ thông tin, chuyển tải nhanh nhất thông tin và chính xác nhất đến các đối tượng có liên quan. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Văn phòng SPS Việt Nam trong các tháng cuối năm và trong tương lai để đạt được mục tiêu của ngành nông nghiệp là phấn đấu tổ chức sản xuất theo tín hiệu thị trường và đáp ứng thị trường.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, sắp tới, văn phòng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thực thi các hiệp định thương mại tự do. Trong đó có nội dung xây dựng cổng thông tin SPS và kiện toàn hệ thống SPS của cả nước. Khi đó, các thông tin sẽ được kết nối đến các địa phương.