Phát triển giống tôm và cá tra để thủy sản bứt phá. Khóm son, khóm phụng rực rỡ đón Tết. Tuốt lá, dưỡng nụ đào phai chờ đón Tết. Mô hình 'con tôm ôm cây lúa' cho lợi nhuận cao.
PHÁT TRIỂN GIỐNG TÔM VÀ CÁ TRA ĐỂ THỦY SẢN BỨT PHÁ
Năm 2024 được xem là năm thành công của ngành thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu đạt mốc 10 tỉ USD giữa bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Thế nhưng, để đạt mục tiêu xuất khẩu 14-16 tỉ USD vào năm 2030 như Chính phủ đề ra, ngành này cần có sự tăng trưởng 2 con số mỗi năm.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết trong 5-6 năm qua, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ duy trì ở mức 8-10 tỉ USD mỗi năm (trừ năm 2022, khi yếu tố tác động từ bên ngoài giúp xuất khẩu đạt gần 11 tỉ USD).
Để tiến gần tới mục tiêu xuất khẩu của năm 2030, Phó Tổng Thư ký VASEP đề xuất các giải pháp hướng đến 2 đối tượng tác động chính là nông dân - ngư dân nuôi trồng, khai thác thủy sản và các DN chế biến, xuất khẩu. Ở khâu nuôi trồng, VASEP cho rằng đây là vấn đề sống còn, là tiền đề cho sự tăng trưởng. Nông dân cần được hỗ trợ vốn, tạo điều kiện sử dụng mặt nước, được tham gia bảo hiểm nông nghiệp để phòng ngừa rủi ro. Ngoài ra, các cơ quan hữu quan cần tập trung vào con giống tôm và cá tra - 2 mặt hàng thủy sản chủ lực - để tăng tỉ lệ nuôi thành công, giảm rủi ro khi đầu tư. Bên cạnh đó, cần tiếp tục khơi thông thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho DN thủy sản phát triển. giống tôm
KHÓM SON, KHÓM PHỤNG RỰC RỠ ĐÓN TẾT
Văn Vũ
Những năm qua, trái khóm son, khóm phụng với màu sắc sặc sỡ, hình dáng độc lạ, bắt mắt được nhiều gia đình tìm mua để chưng trong những ngày tết. Từ đó giúp cho người dân ở xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An trồng loại khóm này tăng thu nhập. Với giá bán khoảng 25 ngàn đồng đến 30 ngàn đồng/trái loại 1), người trồng sau khi trừ chi phí lãi khoảng 20 triệu đồng/1.000 cây khóm.
Ông Võ Thanh Tòng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Lợi cho biết, người dân nơi đây trồng khóm son, khóm phụng vụ tết đã có từ những năm 2000. Trong nhiều năm qua, trên địa bàn xã trồng khóm son, khóm phụng với diện tích khoảng 40 ha. Khóm son, khóm phụng chủ yếu được trồng xen trong vườn cây ăn trái, nhờ vậy mà đời sống người dân của xã không ngừng được cải thiện và nâng lên.
TUỐT LÁ, DƯỠNG NỤ ĐÀO PHAI CHỜ ĐÓN TẾT
Thanh Nga sx
Những ngày này, tại vùng trồng đào phai lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh người dân đang tất bật tuốt lá, chăm cây để đào bật nụ, nở hoa đúng dịp Tết. Theo người dân xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, thông thường từ khoảng giữa tháng 11 Âm lịch hàng năm, người dân trồng hoa lại tất bật ra vườn tuốt lá. Việc tuốt lá để cây tập trung dinh dưỡng làm nụ đều và nhiều, hoa sẽ nở với cánh to, dày, màu đẹp.
Vụ hoa tết năm nay, toàn xã Lưu Vĩnh Sơn có khoảng 600 hộ dân trồng đào với diện tích 112ha, trong đó có khoảng 300 hộ dân trồng đào với số lượng lớn. Dự kiến khoảng 70% diện tích đào đã đủ tuổi để cung ứng ra thị trường. Riêng dịp Tết năm 2024, toàn xã thu về trên 10 tỷ đồng từ nghề trồng đào.
MÔ HÌNH ‘CON TÔM ÔM CÂY LÚA’ CHO LỢI NHUẬN CAO
Vụ lúa trên đất tôm 2024 – 2025, nông dân Bạc Liêu xuống giống hơn 18.000 ha lúa ST chiếm gần 40% diện tích tôm-lúa của tỉnh. Những ngày này, nông dân vùng chuyển đổi lúa-tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang đẩy nhanh việc thu hoạch vụ sản xuất. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, chi phí sản xuất thấp, năng suất lúa đạt khá cao, người dân rất phấn khởi. Cùng đó, con tôm xen canh trên ruộng lúa cũng đang được giá nên người dân được thu lợi “kép”.
Cụ thể, hiện tôm càng được thương lái đến tận ruộng thu mua với giá từ 100.000 - 130.000 đồng/kg, tùy kích cỡ. Giá này cao hơn niên vụ trước từ 20.000-30.000 đồng/kg.
Sau khi thu hoạch xong con tôm, nông dân sẽ thu hoạch luôn vụ lúa trên đất tôm. Càng gần Tết, giá lúa ST (chủ yếu là ST24, ST25) hiện đang đạt mức giá cao nhất từ trước đến nay, dao động từ 11.000 - 12.000 đồng/kg.