Rút ngắn 80km từ Cà Mau về TP Hồ Chí Minh. Ngành chăn nuôi nhập khẩu hơn 3,7 tỷ USD năm 2024. Hỗ trợ các tiểu thương tại 10 tỉnh, thành chuyển đổi số trong năm 2025. Hà Tĩnh thu 5.900 tấn tôm thương phẩm trong năm 2024
RÚT NGẮN 80KM TỪ CÀ MAU VỀ TP HỒ CHÍ MINH
Kim Anh
hôm nay, ngày 5/1, Ban quản lý Dự án 85 (Bộ Giao thông vận tải) tổ chức hợp long cầu Đại Ngãi 2 bắc qua sông Hậu, nối liền hai huyện Cù Lao Dung và Long Phú (tỉnh Sóc Trăng).
Công trình cầu Đại Ngãi 2 có chiều dài 862m, mặt cầu rộng 17,5m, với 13 nhịp, 91 dầm cầu. Riêng nhịp chính của cầu dài 330m, được thi công dạng kết cấu đúc hẫng cân bằng qua luồng Trần Đề. Đây là một trong hai cây cầu chính thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.
Với đặc thù là huyện biệt lập với đất liền, nhiều năm qua, sản xuất nông nghiệp của người dân huyện Cù Lao Dung gặp nhiều khó khăn do quá trình vận chuyển phụ thuộc hoàn toàn vào đường thủy. Dự kiến, cầu Đại Ngãi 2 sẽ được thông xe chính thức vào dịp 30/4/2025, công trình sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương. Đặc biệt là việc kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn huyện theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và du lịch. Cầu Đại Ngãi 2 rút ngắn 80km đi từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TP.HCM
NGÀNH CHĂN NUÔI NHẬP KHẨU HƠN 3,7 TỶ USD NĂM 2024
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, năm 2024, tổng kim ngạch nhập khẩu lĩnh vực chăn nuôi là trên 3,7 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có gần 1,14 tỷ USD là sữa và sản phẩm từ sữa, hơn 1,7 tỷ USD từ thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật. Việt Nam cũng đã nhập trên 185 nghìn con trâu, bò, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó 96% là trâu, bò thịt.
Ngoài ra, ước tính năm 2024, nước ta nhập khẩu gần 22,4 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giá trị tương đương 7,7 tỷ USD.
NHẬP KHẨU SẢN PHẨM CHĂN NUÔI NĂM 2024
Tổng kim ngạch > 3,7 tỷ USD, tăng 7,7%
NHẬP KHẨU NGUYÊN LIỆU THỨC ĂN CHĂN NUÔI NĂM 2024
Khối lượng < 22,4 triệu tấn
Giá trị 7,7 tỷ USD
HỖ TRỢ CÁC TIỂU THƯƠNG TẠI 10 TỈNH, THÀNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG NĂM 2025
Theo tính toán của Bộ Thông tin và truyền thông, Việt Nam hiện có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần. Các cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống này đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đây là nơi có khoảng 88% số lượng mặt hàng tiêu dùng nhanh được phân phối tới khách hàng. Năm 2025, Bộ TT&TT sẽ phối hợp thực hiện Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ chuyển đổi số. Mục tiêu đến hết năm 2025, triển khai Chương trình hỗ trợ cho tối thiểu 50% cửa hàng tạp hóa, bán lẻ tại 10 địa phương trên toàn quốc. Đồng thời, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ NN-PTNT thực hiện Chương trình hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông nghiệp chuyển đổi số. Mục tiêu đến hết năm 2025, triển khai Chương trình hỗ trợ cho tối thiểu 30% cơ sở trồng trọt, chăn nuôi trên toàn quốc.
HÀ TĨNH THU 5.900 TẤN TÔM THƯƠNG PHẨM TRONG NĂM 2024
Theo Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, năm 2024, diện tích thả nuôi tôm toàn tỉnh là 2.250 ha, đạt 100% kế hoạch; trong đó, nuôi tôm thâm canh và công nghệ cao 665 ha, hợp tác và liên kết 870 ha, bán thâm canh 450 ha, còn lại nuôi quảng canh cải tiến. Vượt qua khó khăn, dịch bệnh, người nuôi trồng đã đưa về sản lượng 5.900 tấn tôm thương phẩm, đạt 100% chỉ tiêu được giao và tăng hơn 1,7% so với năm 2023, cho giá trị sản xuất khoảng 600 tỷ đồng.
Trong năm qua, ngành thủy sản và các hộ nuôi trồng của tỉnh đã tập trung khắc phục khó khăn để duy trì và phát triển sản xuất khá tốt; trong đó, đáng chú ý nhất là đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng để phát triển nuôi tôm trên cát, ao đất lót bạt, nuôi trong bể xây, bể khung sắt lót bạt, nuôi 2 - 3 giai đoạn…”