Ông Nguyễn Văn Lẹ ở ấp Mương Chùa, xã Tây Yên A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang tái chế những sợi dây nhựa người dân vứt đi, thành những vật dụng hữu ích, vừa tăng thu nhập lại góp phần bảo vệ môi trường.
Lão nông tái chế dây nhựa phế thải thành sản phẩm hữu ích
Với ý tưởng sáng tạo, bàn tay khéo léo và kinh nghiệm sẵn có từ nghề đan tre, trúc. Ông Nguyễn Văn Lẹ ở ấp Mương Chùa, xã Tây Yên A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang đã tái chế những sợi dây nhựa bị người dân vứt đi thành vật dụng hữu ích, hạn chế chất thải nhựavà góp phần bảo vệ môi trường.
Ông NGUYỄN VĂN LẸ - Ấp Mương Chùa, xã Tây Yên A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang: (Nhà đang xây dựng cất đó, mấy em phụ hồ nó bỏ ra nó gom về cho tui, có khi tui rảnh rổi tui khỏe thì tui đi lụm, cái loại này lâu phân hủy dữ lắm).
Để có được sản phẩm sáng đẹp từ những sợi dây nhựa, hằng ngày ông Lẹ gom nguyên liệu, đem rửa sạch, mang ra phơi nắng. Sau khi phơi khô, những sợi dây nhựa đã được ông Lẹ tái chế, đan thành những vật dụng như giỏ xách, xề, rổ đựng cá, giỏ đựng tôm, sọt đựng trái cây, thúng, chậu hoa kiểng…Những sản phẩm tái chế này có giá từ 35.000 đồng đến 250.000 đồng tùy loại.
Ông NGUYỄN VĂN LẸ - Ấp Mương Chùa, xã Tây Yên A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang: (mình tạo ra là lấy cái đồ phế liệu phế thải mà mình lụm về mình chế biến ra sản phẩm có ích sử dụng trong gia đình và có cho bà con lối xóm mua để đi bán trái cây, bán tôm, bán cua, bán hột vịt đồ đó để có hiệu quả mà mình lụm cái này sẽ không có rác thải ô nhiễm môi trường, thấy lợi ích nên tôi làm tới ngày hôm nay)
Từ việc tận dụng dây buộc gạch bỏ đi để tái chế thành vật dụng có ích, góp phần bảo vệ môi trường. Ông Lẹ đã trở thành tấm gương sáng để các đoàn thể, người dân có ý thức trong việc bảo vệ môi trường.
Ông HUỲNH HỮU CHƯƠNG - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tây Yên A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang: (Đối với mô hình này thì địa phương cũng đã tìm hiểu và tổ chức tuyên truyền các đoàn thể xã để học hỏi và nhân rộng trên địa bàn xã, cũng như các ấp khác qua tham quan mô hình của ông Nguyễn Văn Lẹ, ấp Mương Chùa đã tham quan, học hỏi để góp phần bảo vệ môi trường ở địa phương).
Trong thời gian tới, ông Lẹ vẫn sẽ tiếp tục thu gom những sợ dây nhựa để tái chế thành vật dụng hữu ích, việc làm này góp phần truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường; giáo dục con cháu và tuyên truyền đến người dân địa phương nâng cao nhận thức và có ý thức sống xanh, giảm rác thải và bảo vệ môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp”.