| Hotline: 0983.970.780

Kêu gọi cộng đồng chung tay chống rác thải nhựa

Chủ Nhật 25/09/2022 , 22:31 (GMT+7)

HÀ TĨNH Hạn chế sử dụng túi nilon, thu gom, tái chế rác thải nhựa là những giải pháp tỉnh Hà Tĩnh khuyến khích nhân dân thực hiện nhằm bảo vệ môi trường

Phong trào hạn chế sử dụng rác thải nhựa được phát động sâu rộng trên toàn tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: PT.

Phong trào hạn chế sử dụng rác thải nhựa được phát động sâu rộng trên toàn tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: PT.

Trong thời gian qua, phong trào “chống rác thải nhựa” đã được các cấp, các ngành ở Hà Tĩnh triển khai với nhiều nội dung, hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Từ những mô hình nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn đã cho thấy phong trào đi vào thực chất và có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong nhân dân, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn.

Cánh đồng lớn thôn Đình Hàn, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà vừa thu hoạch xong vụ lúa hè thu năm 2022. Nếu như trước đây, bà con phải cắt thủ công đem gốc rạ đi đốt thì nay chỉ cần sử dụng các loại chế phẩm vi sinh để xử lý, vừa tiết kiệm thời gian, công sức vừa tạo nguồn phân hữu cơ tái phục vụ sản xuất vụ Xuân 2023, đồng thời giảm mạnh lượng phân bón vô cơ và thuốc BVTV.

Thoạt nghe qua việc sử dụng chế phẩm vi sinh không liên quan đến phong trào chống rác thải nhựa, song thực tế, khi áp dụng quy trình sản xuất lúa an toàn, lượng bao bì, chai lọ phân bón và thuốc BVTV sử dụng rất ít nên hạn chế tác động đến môi trường đất, môi trường nước.

“Chúng tôi đã quán triệt bà con, nếu lúa bị sâu bệnh, tổ chức phun thuốc BVTV thì sau khi phun phải thu gom toàn bộ chai lọ, bao bì đem về tiêu hủy đúng nơi quy định, tuyệt đối không vứt bừa bãi trên đồng ruộng”, ông Nguyễn Tiến Long, Trưởng thôn Đình Hàn nói.

Trưởng thôn Đình Hàn, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà quán triệt người dân thu gom, tiêu hủy bao bì, chai lọ trong quá trình sản xuất nông nghiệp đúng nơi quy định. Ảnh: PT.

Trưởng thôn Đình Hàn, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà quán triệt người dân thu gom, tiêu hủy bao bì, chai lọ trong quá trình sản xuất nông nghiệp đúng nơi quy định. Ảnh: PT.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân Hà Tĩnh, ngoài phát động phong trào “chống rác thải nhựa” trong sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân Hà Tĩnh còn triển khai phong trào tại các cửa hàng nông sản an toàn, bằng việc làm cụ thể như: Vận động khách hàng hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần và túi nilon khó phân hủy, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng túi dùng nhiều lần hoặc túi có khả năng phân huỷ sinh học cao; tiến tới tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa một lần và túi nilon khó phân hủy.

Tỉnh Hà Tĩnh, với dân số gần 1,3 triệu người, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn phát sinh bình quân 563 tấn/ngày, trong đó rác thải có chứa nilon chiếm khoảng 7 - 8%, tương đương gần 50 tấn/ngày.

Hưởng ứng phong trào ý nghĩa này, tại các trường Mầm non của huyện Lộc Hà thay vì vứt bỏ rác thải, họ đã biến những chai nhựa vô dụng thành hữu dụng.

Theo đó, các loại rác thải nhựa được giáo viên thu gom, phân loại, bán gây quỹ hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Để mô hình duy trì hiệu quả, Ban giám hiệu nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền trong mỗi cán bộ giáo viên, đặc biệt kêu gọi phụ huynh đóng góp vỏ lon, chai nhựa, phế loại thải cho nhà trường.

Hàng ngày, hàng tuần, các giáo viên sẽ thu gom lại để bỏ vào ngôi nhà “kết nối yêu thương”, cuối tháng sẽ bán lấy tiền gây quỹ hỗ trợ các bạn nghèo cùng các hoạt động thiện nguyện khác.

Tại các trường Tiểu học ở huyện Kỳ Anh, phong trào “chống rác thải nhựa, nói không với túi ni lông sử dụng 1 lần” được tuyên truyền và thực hiện rộng rãi trong cán bộ giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Đặc biệt, thời gian này các trường cũng ra mắt câu lạc bộ “nói không với rác thải nhựa” và trao tặng giỏ đi chợ cho các đoàn viên công đoàn với mong muốn sẽ thay thế được túi ni lông trong sinh hoạt hàng ngày. Cũng từ đây nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các đoàn viên công đoàn trong phòng chống rác thải nhựa, từ đó tuyên truyền tích cực đến gia đình, bạn bè nói không với rác thải nhựa.

Ngoài công đoàn các trường học được chọn làm điểm ra mắt câu lạc bộ “chống rác thải nhựa”, ngành giáo dục Hà Tĩnh hướng đến nhân rộng mô hình trên tất cả các trường học trong toàn tỉnh. Trước mắt, áp dụng trong khối các trường Mầm non, sau đó là tiểu học, THCS và THPT.

Tại các trường học, rác thải nhựa được thu gom, bán gây quỹ hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NĐ.

Tại các trường học, rác thải nhựa được thu gom, bán gây quỹ hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NĐ.

Với tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ môi trường sống, không gian làm việc xanh, người dân Hà Tĩnh đã và đang tích cực hưởng ứng các hoạt động như: “Xách giỏ đi chợ, phong cách của người nội trợ”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Du lịch không rác thải nhựa”, “Không túi nilon, bảo vệ môi trường”, “Nói không với túi nilông và sản phẩm nhựa dùng một lần”… Các phong trào này ra đời đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi thói quen sinh hoạt, sản xuất của người dân. Từ đó, đưa phong trào “chống rác thải nhựa” ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong các cấp và tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao ý thức của mỗi người dân trong công tác bảo vệ môi trường.                                                               

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Mưu sinh lúc mưa dông, một ngư dân bị sét đánh tử vong

QUẢNG NINH Hoàn cảnh gia đình nạn nhân khá khó khăn, đang nuôi 4 con nhỏ ăn học. Nguồn thu chủ yếu của hai vợ chồng từ nghề đánh lồng.