Sản xuất hữu cơ là hướng đi mới để xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững. Tại Thanh Hóa, nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.
Tạo ‘cú hích’ cho phát triển nông nghiệp hữu cơ
Nắm bắt được xu hướng và nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch của người tiêu dùng, HTX Dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến tại xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, đã đầu tư hàng chục tỷ đồng trên diện tích hơn 2ha để lắp hệ thống nhà màng, tưới tiêu tự động, camera giám sát để trồng dưa Kim Hoàng Hậu và dưa chuột baby và các loại rau ăn lá.
Mô hình áp dụng đồng bộ và nghiêm ngặt các công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại như : Nhà màng kín, dùng giá thể hữu cơ, phân bón hữu cơ, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động theo lập trình. Toàn bộ quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản đều tuân thủ theo Quy trình VietGAP, hữu cơ.
Ông Nguyễn Xuân Thiên, Giám đốc HTX dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Đông Tiến: “Làm nông nghiệp hữu cơ trong nhà màng sẽ ngăn chặn được thiên địch, tác động tiêu cực của thời tiết như sương muối, sương mai, các bệnh do tác động của thời tiết gây ra”.
Hiện mỗi năm hợp tác xã cung cấp ra thị trường 120 tấn dưa kim hoàng hậu, 70 tấn dưa chuột và rau ăn lá. Tất cả các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn hữu cơ và có thông tin truy xuất nguồn gốc, bao bì, tem nhãn rõ ràng. Sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi năm hợp tác xã lãi từ 2,5-3 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Vài năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ như mô hình bưởi hữu cơ Yên Định; mô hình cam hữu cơ Thạch Thành; mô hình lúa hữu cơ tại các huyện Yên Định, Nông Cống; mô hình lúa - cá tại huyện Hà Trung...
Ông Trần Văn Tân, Giám đốc CTCP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới: “Các doanh nghiệp làm nông nghiệp hữu cơ cần được sự quan tâm của chính quyền, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiên phong và hỗ trợ một phần kinh phí để hoàn tất các thủ tục, đầu tư sản xuất, nhằm phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững”.
Nhằm từng bước phát triển và nhân rộng thêm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Thanh Thanh Hóa đã ban hành và thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2030. Trên cơ sở đó ngành nông nghiệp huyện triển khai rà soát, điều chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung. Phát triển cây trồng, vật nuôi của địa phương có khả năng phát triển nông nghiệp hữu cơ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện canh tác và nhu cầu thị trường.
Ông Vũ Quang Trung, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa: “Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tập trung mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đảm bao tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ, đồng thời giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất, từ đó nâng cao được hiệu quả sản xuất và chất lượng nông sản, bảo vệ được môi trường nông thôn.
Với cơ chế chính sách và định hướng phát triển rõ ràng nhằm phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Thanh Hóa đã định hình được vị thế, sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Đây là tiền đề quan trọng cho ngành Nông nghiệp Thanh Hóa mở ra hướng đi mới, từ đó phát triển hiệu quả, bền vững.