Tỉnh Quảng Ngãi có 2.790/3.261 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ngư dân đã nhận thức rõ hơn về việc vi phạm vùng biển nước ngoài và hoạt động khai thác bất hợp pháp.
Quảng Ngãi với mục tiêu sớm gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản
Cũng như các địa phương ven biển của cả nước, kể từ khi sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU bị cảnh cáo bằng thẻ vàng, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nhanh chóng khắc phục những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu EC.
Theo đó, từ năm 2019, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Ban Chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thành lập 4 Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng. Với sự hoạt động có trách nhiệm của Ban chỉ đạo cũng như các Văn phòng đại điện, ngành thủy sản Quảng Ngãi đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là nhận thức của ngư dân trên địa bàn về nghề cá có trách nhiệm ngày càng tăng lên.
Ông Võ Văn Dũng, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Tôi cũng là người dân ở địa phương Bình Châu, tôi ra giữ biển đảo ở Hoàng Sa. Theo tinh thần đánh bắt hải sản, chúng tôi sãn sàng chấp hành nội quy của Biên Phòng. Sau khi chấp hành thì chúng tôi cũng rất phấn khởi.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Ngãi có gần 2.300 tàu cá đã đăng kiểm, 2.790/3.261 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ngư dân ngày càng nhận thức rõ hơn về tác hại của việc vi phạm vùng biển nước ngoài và hoạt động khai thác bất hợp pháp. Các địa phương cũng yêu cầu 100% chủ tàu cá ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài và nộp nhật ký khai thác để quản lý hiệu quả các hoạt động khai thác đánh bắt hải sản trên biển.
Trung tá Nguyễn Xuân Quý, cán bộ Trạm kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ, Quảng Ngãi.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp tổ chức nhiều buổi phối hợp với địa phương các xã ven biển, thì hiện nay trên địa bàn các xã Tịnh Kỳ, Tịnh Khê, Tịnh Hòa thì đã phối hợp triển khai nhiều buổi tập trung các ngư dân để tuyên truyền cho bà con, nắm rõ các quy định khi thực hiện khai thác thủy sản trên biển.
Phối hợp với địa phương phát tờ rơi, các quy định về nghị định 42, các bản đồ liên quan đến các vùng được phép khai thác, các loại tàu được phép khai thác. Hơn 2 năm nay thì cơ bản dần dần ngư dân đã nắm, hiểu và đi vào hoạt động cơ bản. Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng, nhất là Trạm Sa Kỳ cũng đã phối hợp với chi cục kiểm tra đột xuất các tàu ra vào thường xuyên, vài ba buổi, đến hiện nay bà con thực hiện tốt.
Khi tàu ra vào thì thực hiện 5 kiểm, 1 chứng đúng quy trình. Trực tiếp kiểm tra các thiết bị an toàn, các phương tiện hoạt động đúng ngành nghề rồi máy giám sát hành trình là phải đảm bảo niêm phong kẹp chì theo quy định.
Những năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem việc khắc phục thẻ vàng IUU của Châu Âu là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh này đã tăng cường công tác theo dõi, giám sát tàu cá; thực hiện nghiêm các quy định trong việc chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản; triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp chủ tàu cá vi phạm; hướng dẫn ngư dân ghi chép, nộp nhật ký khai thác và báo cáo khai thác thủy sản. Qua đó, góp phần cùng cả nước nỗ lực gỡ thẻ vàng EC trong thời gian sớm nhất.