Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về khoa học công nghệ, tạo đà phát triển ngành nông nghiệp.
Chiều 25/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến có buổi tiếp ông Juan Lucas Restrepo, Tổng Giám đốc Liên minh kiêm Giám đốc Toàn cầu về Đối tác và Vận động chính sách của CGIAR, cùng ông Stephan Weise, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của Liên minh Đa dạng Sinh học Quốc tế và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT). Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề xuất các bên sẽ phối hợp trong việc tìm nguồn hỗ trợ về các vấn đề như sức khỏe cây trồng, sức khỏe vật nuôi, an toàn thực phẩm, kỹ thuật nông nghiệp, phát triển hệ sinh thái, cảnh quan bền vững, thức ăn gia súc. Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ về khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật để xây dựng các mô hình thí điểm, tạo đà phát triển cho nông nghiệp. Đồng thời cam kết phối hợp với các bộ ngành liên quan để phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận Một sức khoẻ.
Thứ trưởng cũng đề nghị các đối tác có những hợp tác cụ thể ở cấp trung ương, trên cơ sở xây dựng khung chính sách và cơ sở pháp lý. Đồng thời, các bên sẽ xây dựng lộ trình để có những báo cáo cụ thể hàng năm, nhằm đánh giá hiệu quả phối hợp.Tại buổi tiếp, ông Juan Lucas cho biết, những tác động của CGIAR với Việt Nam trong 5 năm qua góp phần hỗ trợ phát triển nông nghiệp thông qua thu hẹp khoảng cách về các vấn đề hệ thống lương thực. Công việc này liên quan mật thiết tới kế hoạch hành động quốc gia liên quan đến Không còn nạn đói và Chuyển đổi hệ thống lương thực. CGIAR cam kết hỗ trợ Bộ NN-PTNT triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống thực phẩm gắn với công việc chung của chương trình khu vực ASEAN-CGIAR, đồng thời triển khai Sáng kiến CGIAR về chế độ ăn uống lành mạnh bền vững thông qua chuyển đổi hệ thống thực phẩm (SHiFT) để cải thiện chế độ ăn uống của nhóm dân số dễ bị tổn thương ở Việt Nam.Về phía CIAT, ông Stephan Weise đánh giá cao quan hệ đối tác với Bộ NN-PTNT Việt Nam. Điều này cho phép CIAT tiếp cận các bên liên quan và những người tạo ra thay đổi, đồng thời xây dựng năng lực để củng cố ngành nông sản thực phẩm trong nước. Đại diện CIAT cũng giới thiệu những hướng nghiên cứu mới, trong đó có ứng dụng dự báo khí hậu và giám sát sức khỏe đất theo thời gian thực. Đây là công nghệ được đánh giá tiềm năng, có khả năng giám sát rừng trên toàn cầu, góp phần giúp truy xuất được những sản phẩm như cà phê có được trồng từ khu vực không gây suy thoái rừng hay không.