Thu phí bản quyền 10-30 đồng/kg khi xuất thanh long Long Định 1 sang Nhật, Hàn. Hơn 4.500ha lúa Đông Xuân ở Thừa Thiên - Huế bị ngập úng do mưa lớn kéo dài. Tham quan mô hình xử lý nước cấp đầu vào nuôi tôm. Thêm nguồn thu từ rơm tươi.
Thu phí bản quyền 10 - 30 đồng/kg khi xuất thanh long Long Định 1 sang Nhật, Hàn
Chiều 16/2, tại TP.HCM, Cục trồng trọt, Bộ NN-PTNT có buổi thông tin về giống thanh long ruột đỏ Long Định 1 trước yêu cầu mới về mã số vùng trồng khi xuất đi Nhật.
Liên quan đến bản quyền giống thanh long ruột đỏ thanh long Long Định 1, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit cam kết, doanh nghiệp sẽ cùng chia sẻ bản quyền giống với nông dân và các doanh nghiệp khác. Theo đó, đối với thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, những nông dân đang trồng giống thanh long Long Định 1 do Viện Cây ăn quả Miền Nam cung cấp trước đây để trồng thử nghiệm, công ty sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu với sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của Nhật Bản, với giá cao hơn thị trường 20-30%.
Với những HTX có sử dụng giống từ nguồn như trên và đang có nhu cầu mở rộng sản xuất để xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoàng Phát Fruit sẵn sàng tham gia hướng dẫn theo tiêu chuẩn Nhật Bản và bao tiêu sản phẩm. Với các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ruột đỏ Long Định 1 sang Nhật Bản, Hoàng Phát Fruit chia sẻ bản quyền bằng cách chấp nhận do doanh nghiệp đó được xuất khẩu giống Long Định 1 nhưng phải đóng phí bản quyền cho công ty từ 10-30 đồng/kg.
Đặc biệt, khi tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc, các doanh nghiệp khác được Hoàng Phát Fruit miễn phí bản quyền trong 5 năm (bắt đầu từ năm 2023).
Hơn 4.500 ha lúa Đông Xuân ở Thừa Thiên - Huế bị ngập úng do mưa lớn kéo dài
Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh nên từ chiều ngày 14/2 đến sáng ngày 16/2 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa lớn kéo dài ở khu vực đồng bằng phía Bắc khiến cho hàng nghìn ha lúa Đông Xuân 2022-2023 ngập úng và có nguy cơ mất trắng. Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 4.500ha lúa Đông Xuân bị ngập úng, với mức từ 20-40 cm, diện tích ngập tập trung chủ yếu ở các xã vùng thấp trũng như: Phong Chương, Phong Bình, Điền Môn, Điền Lộc, huyện Phong Điền; các xã Quảng Phước, thị trấn Sịa, Quảng An, huyện Quảng Điền… Để bảo vệ đồng ruộng bị ngập úng, các trạm bơm tiêu úng ở hiện đang hoạt động 24/24h. Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên -Huế yêu cầu các địa phương cần cảnh báo, ứng phó với tình hình gió mạnh trên biển, mưa to, dông lốc sét. Công ty TNHHNN MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các địa phương có phương án vận hành hợp lý các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023. Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.
THAM QUAN MÔ HÌNH XỬ LÝ NƯỚC CẤP ĐẦU VÀO NUÔI TÔM
Ngày 15 và 16/2, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức cho gần 30 nông dân của huyện Nhà Bè và Cần Giờ (TP.HCM) tham quan thực tế và tiếp cận, trao đổi, học tập kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao, cùng các giải pháp xử lý môi trường nước tại Công ty Cổ phần Huetronics.
Trung tâm Khuyến nông TPHCM cho biết, chuyến đi này là một trong những hoạt động thường xuyên nhằm giúp nông dân tìm hiểu nắm bắt thêm kiến thức về kỹ thuật nuôi tiên tiến, áp dụng công nghệ cao vào thực tiễn sản xuất.
Tại Farm Huetronics, đoàn được tham quan công nghệ xử lý nước cấp đầu vào cho nuôi tôm, không sử dụng hóa chất, bằng công nghệ điện hóa siêu âm tiên tiến kết hợp ao sinh học để làm sạch nước. Khi ứng dụng công nghệ này bà con tiết kiệm được thời gian và tối thiểu 50% chi phí xử lý nước so với giải pháp sử dụng hóa chất truyền thống nhiều rủi ro.
THÊM NGUỒN THU TỪ RƠM TƯƠI
Vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, hàng trăm nghìn hecta lúa ở tỉnh Đồng Tháp vừa thu hoạch xong đã có nhiều thương lái đến mua rơm tươi tại ruộng. Mỗi ha lúa thu hoạch xong cho hơn 100 cuộn rơm nặng từ 20-22kg và hiện có giá bán 20.000 đồng/cuộn giúp nông dân có thêm nguồn thu hơn 500.000 đồng.
Những năm gần đây, do nhu cầu thu mua rơm tăng cao, nhiều hộ dân của huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã mạnh dạn đầu tư mua máy cuộn rơm để làm dịch vụ này.
Máy cuộn rơm giúp thu gom rơm nhanh và gọn gàng hơn gom thủ công, bà con kịp thời vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống và giảm cảnh đốt rơm đồng ảnh hưởng đến môi trường.
Rơm sau thu mua được vận chuyển đi tiêu thụ ở các các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và ra các tỉnh miền Đông để làm nấm rơm, ủ gốc cây, hoa màu hay làm thức ăn cho gia súc.