Để 'trợ sức' cho gia súc, gia cầm, tăng đề kháng trong những tháng cuối năm. 13/13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Hà Tĩnh đang đồng loạt tổ chức tiêm phòng.
Đồng loạt ra quân tăng đề kháng cho gia súc, gia cầm
Để “trợ sức” cho đàn vật nuôi tăng đề kháng trong những tháng cuối năm, thời điểm này 13/13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung tiếp nhận, phân bổ các loại vacxin đến các địa phương, đồng loạt tổ chức tiêm phòng đợt 2 năm 2023, phấn đấu kết thúc tiêm trước 30/10.
Đây là những hình ảnh về hoạt động tiêm phòng cho đàn trâu bò tại thôn 2, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà. Sau khi nghe ban cán sự thôn thông báo kế hoạch tiêm phòng đợt 2 năm 2023, 100% số hộ có đàn vật nuôi trong diện phải tiêm đã chủ động nhốt trâu bò tại chuồng để thực hiện tiêm phòng vacxin Lở mồm long móng và tụ huyết trùng theo đúng thời gian quy định.
Anh Đoàn Minh Hải, thôn Đan Khê, xã Thạch Khê vốn là người rất có ý thức trong công tác bảo vệ an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi của gia đình nên anh đã theo dõi sát lịch tiêm phòng để đăng ký tiêm cho đàn bò 3B đang nuôi vỗ béo. Anh cho biết: trước đây, do chăn nuôi nhỏ lẻ nên hầu như không quan tâm đến tiêm phòng. Tuy nhiên từ khi đầu tư nuôi vỗ béo 10 con bò 3B, anh hiểu rằng nếu xảy ra dịch bệnh sẽ mất hết sản nghiệp. Do đó luôn chủ động trong việc tiêm phòng. Kết quả cho thấy đàn bò của anh phát triển khỏe mạnh, đề kháng tốt với các tác động ngoại cảnh.
Anh Đoàn Minh Hải, Thôn Đan Khê,xã Thạch Khê , huyện Thạch Hà
Sau khi triển khai các biện pháp nghiệp vụ, rà soát số gia súc gia cầm trong diện tiêm, xã Thạch Khê đã thông báo lịch tiêm cụ thể cho từng thôn trên địa bàn. Toàn xã hiện có 680 con trâu bò, 560 con lợn, chủ yếu nuôi theo hình thức nông hộ. Để tiêm hết số lượng vắc xin đã đăng ký, xã Thạch Khê tổ chức các tổ tiêm đến tận hộ vừa tuyên truyền luật chăn nuôi thú y, vừa tiến hành tiêm. Cách làm là tiêm dứt điểm thôn này mới chuyển sang tiêm ở thôn khác. Nhờ vậy, trong 3 ngày xã Thạch Khê cơ bản tiêm đạt 95% kế hoạch đề ra. Sau khi tiêm xong gia súc sẽ chuyển sang tiêm cho đàn gia cầm.
Ông Phạm Đình Tâm, Thú y viên xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà
Thông thường, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp vào dịp cuối năm. Do đó ngoài việc tập trung chăm sóc và triển khai công tác phòng chống dịch, thì tiêm phòng chính là giải pháp hữu hiệu, đơn giản nhất để giúp vật nuôi tăng sức đề kháng, hạn chế tối đa dịch bệnh xảy ra. Để đẩy nhanh tiến độ, các địa phương chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, đôn đốc hộ dân phối hợp với cơ quan chức năng tiêm phòng đủ số lượng, số liều cho đàn vật nuôi; rà soát tổng đàn để tiêm bổ sung theo quy định. Bản thân các hộ chăn nuôi cũng nêu cao tinh thần tự giác, chấp hành tiêm phòng đầy đủ theo quy định để bảo vệ tài sản của gia đình trước nguy cơ dịch bệnh.
Theo tổng hợp của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, đến thời điểm này, các địa phương đã nhận hơn 20 nghìn liều vacxin LMLM; hơn 17 nghìn liều vacxin tụ huyết trùng; trên 100 nghìn liều vacxin cúm gia cầm và một số loại vacxin khác để tổ chức tiêm đồng loạt.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh
Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có tổng đàn trâu hơn 67.300 con, đàn bò hơn 167.700 con, đàn lợn hơn 395.000 con và đàn gia cầm gần 10 triệu con. Mục tiêu tiêm phòng đặt ra là phải đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn. Thời gian tiêm phòng đợt 2 năm 2023 phấn đấu kết thúc trước 30/10. Các loại vắc xin cần tiêm cho đàn gia súc, gia cầm gồm: Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng và viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò; Dịch tả, Tụ huyết trùng trên đàn lợn; vắc xin cúm trên đàn gia cầm.