Sau bão số 3, khoảng 40ha dâu tằm ở huyện Trấn Yên đã bị hư hại, các hộ dân trồng dâu tằm mong nhận được sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông, phục hồi sản xuất.
Tìm lại màu xanh cho vựa dâu tằm Trấn Yên
Hàng nghìn hộ dân ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông đang tích cực ra đồng tuốt lá, tỉa cành để giải cứu những ruộng dâu bị mưa lũ vùi dập.
Gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Lan Đình, xã Việt Thành có 26 sào dâu tằm, trận mưa lũ lịch sử vừa qua đã làm toàn bộ diện tích dâu bị ngập úng, trong đó 8 sào bị ngập sâu làm chết trắng. Còn những ruộng dâu đang phục hồi bà Lan đang thử nghiệm dùng lá để nuôi 2 nong tằm giống.
Bà NGUYỄN THỊ LAN - Thôn Lan Đình, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, Yên Bái
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, gia đình ông Mạnh ở thôn Lan Đình cùng một số hộ dân trong xóm hỗ trợ nhau tỉa cành dâu trên cánh đồng. Hơn 5 sào dâu của nhà ông ngập sâu trong nước, đất bùn phù sa bồi lấp gần nửa mét, cây dâu khô, lá héo úa tưởng phải cải tạo đất trồng lại nhờ hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, ông tuốt lá, cắt ngọn và cành khô, đến nay cây dâu mọc mầm mới, nếu chăm sóc tốt, có thể nuổi được 2 lứa tằm cuối vụ.
Ông NGUYỄN ĐỨC MẠNH - Thôn Lan Đình, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, Yên Bái
Ngay sau khi nước rút, ngành chức năng đã phối hợp với địa phương rà sót diện tích thiệt hại để có giải pháp khắc phục hiệu quả đối với từng mức độ ảnh hưởng. Đối với diện tích dâu tằm có thể phục hồi, vận động bà con khẩn trương đào rãnh, khơi thông dòng chảy không để ngập úng, tiến hành cắt ngọn, tỉa cành để cây dâu sinh mầm mới. Diện tích dâu ngập sâu, chết trắng sẽ hỗ trợ giống, cải tạo đất để trồng thay thế.
Bà NGUYỄN THỊ TUYẾT NGA - Chủ tịch UBND xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, Yên Bái
Những ngày sau cơn bão số 3, ngành nông nghiệp huyện Trấn Yên đã huy động tối đa nhân lực phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị đầu bờ chuyển giao các giải pháp kỹ thuật cho người dân để khôi phục sản xuất dâu tằm, giảm thiểu thiệt hại.
Những mầm xanh đang bật lên trên những thân cây dâu héo úa, chính là màu xanh hi vọng mà người nông dân mong mỏi về việc phục hồi sản xuất.