Trao tặng 250 bồn chứa nước cho bà con vùng hạn mặn ĐBSCL. Xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa trổ sớm. Hơn 10.000 cây trồng ở Bình Phước thiếu nước tưới. Giá quế chỉ còn một nửa.
Trao tặng 250 bồn chứa nước cho bà con vùng hạn mặn ĐBSCL
HỒ THẢO
Để kịp thời hỗ trợ người dân vùng khó khăn bởi hạn hán, xâm nhập mặn, ngày 22/4, Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Bến Tre trao tặng 20 bồn chứa và 5 máy lọc nước cho bà con xã đảo Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Ông Lê Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng HUD Kiên Giang cho biết trong đợt này, đơn vị tài trợ phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam trao tặng 250 bồn nhựa Plasman 500l loại đứng và 50 máy lọc nước P.O cho 5 tỉnh vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng của hạn mặn năm 2024 gồm: Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam khu vực ĐBSCL, ông Nguyễn Ngọc Thắng chia sẻ: Chương trình tặng bồn nước cho bà con vùng hạn mặn ĐBSCL được thực hiện từ 2 năm nay đem lại ý nghĩa rất thiết và cần tiếp tục nhân rộng để giúp đỡ người dân vùng hạn mặn vượt qua khó khăn.
Xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông trên túa trổ sớm
Thanh Nga sx
Thời tiết thay đổi liên tục trong thời gian qua đã thúc đẩy lúa vụ xuân năm 2024 tại tỉnh Hà Tĩnh trổ bông sớm hơn so với lịch thời vụ từ 7 – 10 ngày. Hiện trong tổng số hơn 25.000 ha lúa đã trổ bông có hơn 10 ha xuất hiện mầm bệnh đạo ôn cổ bông. Các giống nhiễm bệnh rơi vào nhóm mẫn cảm như: N24, XT28, Thái Xuyên 111, TH998, Hà Phát 3... phân bố tại huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Thạch Hà, Can Lộc.
Tỷ lệ nhiễm bệnh trung bình 3 - 5%, nơi cao 5 - 7%, cục bộ 20 - 25%. Theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh, đề phòng bệnh đạo ôn cổ bông gây thiệt hại đến năng suất lúa, bà con cần thăm đồng thường xuyên, đặc biệt chú ý thời điểm lúa trổ vè, nếu phát hiện dấu hiệu bệnh, chủ động sử dụng các loại thuốc BVTV phun phòng đạo ôn cổ bông và nên phun lại lần 2 sau 5-7 ngày.
Hơn 10.000 cây trồng ở Bình Phước thiếu nước tưới
Trần Trung sx
Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến tình trạng khô hạn ở Bình Phước trở nên nghiêm trọng. Mực nước các hồ chứa thủy lợi xuống thấp, nhiều giếng đào, giếng khoan cạn kiệt, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Theo Trung tâm Quản lý Nước và Công trình Thủy lợi Bình Phước, tính đến ngày 20/4, mực nước các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuống thấp. Dung tích các hồ chứa giảm 33,4% so với tổng dung tích. Mực nước các công trình thủy điện chính trên Sông Bé đều thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1 đến 6,1 mét. Hiện tại, có đến 3.195 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Trước tình trạng trên, chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để ứng phó như: đào giếng mới, nạo vét kênh mương, huy động máy bơm nước để tưới cây... Bên cạnh đó, các địa phương cũng đang xây dựng các công trình thủy lợi để điều tiết, đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất.
Tin dự phòng
Giá quế chỉ còn một nửa
Phạm Huy khai thác
Với điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng và tập quán canh tác lâu đời, Yên Bái hiện có diện tích vùng trồng quế lớn nhất cả nước với hơn 80.000 ha với 18 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế với tổng công suất khoảng 1.000 tấn sản phẩm tinh dầu/năm. Ngoài ra, còn có hơn 400 cơ sở chế biến tinh dầu quế quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình.
Thời gian gần đây, việc tiêu thụ sản phẩm tinh dầu quế đang gặp khó, giá tinh dầu quế trung bình từ 600 triệu đồng/tấn giảm còn 360 triệu đồng, giá quế vỏ khô các loại từ 115.000 đồng/kg giảm còn 55.000 đồng/kg, cành nhỏ và lá quế có giá mua từ gần 3.000 đồng/kg nay chỉ còn 1.600 đồng/kg tại nhà máy. Giá quế giảm đã kéo theo thu nhập của người dân và cơ sở sản xuất, thu mua, chế biến các sản phẩm từ quế giảm theo. Ước tính tổng giá trị của ngành sản xuất, kinh doanh quế giảm xuống một nửa, dẫn đến đời sống, thu nhập người trồng quế giảm sút, nhiều hộ dân hết sức lo lắng.