Công nghệ cảm biến giúp bà con dễ dàng theo dõi tình trạng sinh trưởng của cây lúa để điều chỉnh lượng nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp.
Đo lượng phát thải trên cánh đồng lúa chất lượng cao
Nhằm thu thập dữ liệu và đo lường lượng phát thải theo Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa hỗ trợ máy đo phát thải khí nhà kín cùng hệ thống giám sát lượng nước trên đồng ruộng cho hợp tác xã thực hiện mô hình điểm tại tỉnh Trà Vinh,
Theo nhà cung cấp, các thiết bị đo đạc có độ chính xác cao nhờ công nghệ hiện đại được lắp đặt trong hệ thống đo phát thải khí nhà kín.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Mỹ Lan Group: Công nghệ này mình sữ dụng cái đo khí mê tan. Mình sử dụng cảm biến hồng ngoại tại vì khí mê tan nó hấp thu tia hồng ngoại, khi đó mình đo được lượng tích lũy lên. Mình đo theo thời gian cứ 5 phút gửi lên mây 1 lần. Tự động trên đó lập trình tính toán mình biết 1 ngày phát thải ra bao nhiêu.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ cho biết, theo kết quả đo được mới đây trên cánh đồng mẫu thuộc xã Phước Hảo, mỗi hecta lúa trong giai đoạn 68 ngày tuổi và có mực nước ngập ruộng 26,6 mm sẽ phát thải ra môi trường 5,6 kg khí mê tan mỗi ngày, tương đương 140 kg CO2 trong 24 giờ.
Trong khi đó, nếu canh tác theo cách truyền thống, lượng phát thải đo được là 4,2 tấn khí nhà kính trên mỗi hecta trong một mùa. Nguyên nhân là do tình trạng canh tác lúa ngập nước liên tục làm yếm khí gây phân hủy các chất hữu cơ như rơm, gốc rạ, và rễ cây dưới đất làm phát sinh ra khí mê tan. Đồng thời, việc sử dụng quá nhiều phân đạm cũng làm phát sinh khí N2O.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Mỹ Lan Group: Để giảm phát thải khí nhà kín thì mình cần canh tác lúa 1 phải 5 giảm. Mình sử dụng giống xác nhận, làm giảm giống, giảm phân bón, nước, giảm thuốc BVTV, và giảm thất thoát khi thu hoạch. Còn về canh tác thì bà con canh tác theo quy trình ngập khô xen kẽ.
Theo nông dân tham gia Đề án 1 triệu hecta lúa tại Trà Vinh, nhờ áp dụng quy trình canh tác mới, họ đã giảm lượng giống gieo từ 20 kg xuống còn 7 kg, giảm phân bón từ 2 đến 3 lần. Mô hình này cũng giúp họ dễ dàng theo dõi tình trạng cây lúa, thông qua hệ thống giám sát côn trồng và lượng nước trên đồng ruộng. Nhờ vậy, cánh đồng lúa tham gia đề án đang chuẩn bị trổ bông, không có bệnh, sinh trưởng tốt và dự đoán sẽ đạt năng suất cao.