Sóc Trăng xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp để tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu
Xã Viên Bình, huyện Trần Đề là địa phương giáp biển, tình hình xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp. Có những thời điểm độ mặn lên tới 7/1000 khiến sản xuất lúa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi vậy, năm 2018, anh Thạch Mô Lết đã chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dừa Mã Lai. Kể cả khi độ mặn lên cao thì vườn dừa vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng cho trái không bị ảnh hưởng vì là giống cây trồng chịu mặn khá. Trung bình mỗi năm vườn dừa mang lại cho gia đình anh Lết lợi nhuận trên 70 triệu đồng sau khi trừ chi phí, cao hơn 10% so với canh tác lúa 2 vụ như thời gian trước.
Anh THẠCH MÔ LẾT
Xã Viên Bình, huyện Trần Đề, Sóc Trăng
Chỉ có gia đình tôi trồng dừa nên đầu ra ổn định, mỗi tháng lái tự đốn, mình chỉ đốn trái, mùa mưa 1 tháng đốn 1 lần, mùa khô thì 3 tuần đốn 1 lần, như hiện tại 1ha7 thì không đủ đến bán cho thương lái.
Mô hình chuyển đổi của anh Thạch Mô Lết hiện đang phát huy hiệu quả cao, chất lượng trái dừa được đảm bảo bởi không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hoá học. Hiện, mô hình này đang được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ để tham gia HTX và hướng tới xây dựng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.
Ông NGUYỄN THÀNH PHƯỚC
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng
Thời gian qua chúng tôi đã tiếp tục vận động cung như thành lập các HTX, động viên bà con nông dân tập trung lại thành HTX để xây dựng mã số vùng trồng, đảm bảo diện tích theo yêu cầu của các nước khó tính. Tối thiểu những diện tích này phải trên 10ha/1 mã số.
Sóc Trăng là một trong 7 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long dễ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn. Do đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xác định là một trong những giải pháp được đưa ra để thực hiện tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ được đặt ra trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với những công trình ngăn mặn, trữ ngọt đang được triển khai, việc khuyến khích nhân rộng những mô hình sản xuất có hiệu quả thay cho cây lúa trong mùa khô tiếp tục là giải pháp tăng giá trị sử dụng đất mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng ưu tiên trong tiến trình thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.